1. Đà Lạt
Thành phố
Đà Lạt nằm trên cao nguyên Lâm Viên, tỉnh Lâm Đồng, được người Pháp xây dựng vào đầu thế kỷ 20. Nằm trên độ cao 1.500 và được núi rừng bao quanh, Đà Lạt thừa hưởng một khí hậu miền núi ôn hòa và dịu mát quanh năm. Lịch sử một thế kỷ cũng để lại cho thành phố một di sản kiến trúc giá trị, được ví như một bảo tàng kiến trúc châu Âu thế kỷ 20. Những ưu thế này giúp Đà Lạt trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng Việt Nam.
2. Sa Pa
Sa Pa là một thị trấn vùng cao, khu nghỉ mát nổi tiếng thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, Việt Nam. Nằm trên một mặt bằng ở độ cao 1500 đến 1650m, thị trấn này có khí hậu mang sắc thái ôn đới và cận nhiệt đới, không khí mát mẻ quanh năm, một ngày có đủ bốn mùa. Nhiệt độ không khí trung bình năm của
Sa Pa là 15 °C, nhiệt độ cao nhất mùa hè là 25 độ C, mùa đông có thể dưới 0 độ C và có tuyết rơi.
3. Phia Oắc
Nằm trên độ cao gần 2.000m, đỉnh Phia Oắc hoang sơ được ví như một “tiên cảnh” dành cho những người ưa du lịch khám phá. Nhiệt độ trung bình năm ở nơi đây luôn dưới 15 độ C, do độ ẩm cao nên mây mù thường xuyên bao phủ và vào mùa đông xuất hiện băng tuyết. Ngoài ra, ẩn trong các khu rừng rậm ở Phia Oắc là hàng chục ngôi biệt thự cổ hoang phế, được xây dựng từ thời Pháp thuộc.
4. Tam Đảo
Thị trấn Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) được chính quyền thực dân Pháp xây dựng trên dãy núi Tam Đảo để làm nơi nghỉ dưỡng từ đầu thế kỷ 20. Nằm trên độ cao 900m, đây là nơi có khí hậu mát mẻ, trong lành, với 4 mùa trong một ngày. Gần thị trấn du lịch nổi tiếng ở miền Bắc này là những danh thắng nổi tiếng như chùa Tây Thiên và đền Tây Thiên, Vườn quốc gia Tam Đảo.
5. Mẫu Sơn
Mẫu Sơn là vùng núi cao nằm ở phía đông bắc tỉnh Lạng Sơn, độ cao trung bình khoảng 1000m so với mực nước biển. Đây là nơi nổi tiếng với cảnh quan đẹp và các sản vật như chè tuyết sơn, gà sáu cựa, chanh rừng, ếch hương, lợn quay… Nhiệt độ trung bình ở vùng núi này là 15,5°C, về mùa đông xuống tới nhiệt độ âm, thường xuyên có băng giá và có thể có tuyết rơi. Khu du lịch Mẫu Sơn rộng khoảng 20ha, có đầy đủ các tiện nghi để phục vụ khách du lịch.
6. Mộc Châu
Cao nguyên Mộc Châu (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) có độ cao trung bình 1.050 m so với mực nước biển, mang đặc trưng của khí hậu cận ôn đới. Với rất nhiều khung cảnh đẹp của các đồi chè, nông trường, rừng núi và sông suối… đây là “địa chỉ đỏ” dành cho dân “phượt” cũng như những người mê nhiếp ảnh ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc Việt Nam
7. Ba Vì
Cách trung tâm Hà Nội 50 km, vườn quốc gia Ba Vì chạy dọc theo hướng Đông Bắc – Tây Nam của dãy núi Ba Vì với đỉnh Tản Viên cao 1.296m, đỉnh Ngọc Hoa cao 1.120m. Từ đầu thế kỉ 20, Ba Vì đã là địa danh nổi tiếng nhờ sự đa dạng của các hệ sinh thái và có phong cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ. Đây vừa là điểm nghỉ dưỡng lý tưởng, vừa là nơi dành cho những người thích khám phá vẻ đẹp của thế giới tự nhiên.
8. Đồng Văn
Nằm ở độ cao hơn 1.000m, cao nguyên Đồng Văn nằm ở tỉnh Hà Giang là mảnh đất địa đầu cực Bắc của Việt Nam. Cao nguyên này đã được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vì những điểm độc đáo trong cấu tạo địa chất. Đối với khách du lịch, đây là nơi có nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số, khí hậu luôn ôn hòa mát mẻ và chưa bị thương mại hóa, rất phù hợp cho những chuyến “phượt” dài ngày.
9. Bạch Mã
Dãy núi Bạch Mã (Thừa Thiên – Huế) chắc chắn là một trong những nơi nghỉ dưỡng có khí hậu dễ chịu nhất trên các vùng cao của Đông Dương. Nằm ở độ cao gần 1.500m, lại gần biển, nhiệt độ ở Bạch Mã không bao giờ thấp hơn 4 độ C vào mùa đông và vượt quá 26 độ C vào mùa hè. Khu nghỉ dưỡng trên ngọn núi này đã được người Pháp xây dựng từ thập niên 1930.
10. Bà Nà
Cùng với Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà, Bà Nà là một trong những ngọn núi đẹp nhất Đà Nẵng. Rặng núi này có chế độ khí hậu ôn hòa với nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 15-20 độ C, cao nhất chỉ đến 22 – 25 đô C, về đêm khoảng 15 – 17 độ C. Khu nghỉ dưỡng ở Bà Nà đã được thiết lập từ đầu thế kỷ 20, nhưng bị lãng quên trong nửa thế kỷ do chiến tranh. Đến những năm 2000, Bà Nà mới được “đánh thức” trở lại để trở thành điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng của miền Trung.