"Cuộc chiến" của con người trước ánh nắng mặt trời có hại thường xuyên trở thành chủ đề nóng bỏng vào mùa hè. Bên cạnh những tranh cãi về lợi ích của các kiểu chống nắng, việc mặc đồ chống nắng thế nào cho hiệu quả mà vẫn thời trang cũng là vấn đề luôn được quan tâm. Vì vậy, chuyên đề Muôn mặt chuyện chống nắng sẽ phần nào giúp bạn có được cái nhìn toàn cảnh và rút ra được kinh nghiệm hữu ích trong việc đối phó với tia UV. |
Hiện nay, do nhiều nguyên nhân, tình trạng của tầng ozon ngày càng xấu đi, nhờ đó tia cực tím theo lỗ thủng của tầng ozon xâm nhập thẳng vào bầu khí quyển và đe dọa trực tiếp tới sức khỏe cũng như vẻ đẹp của con người. Theo nghiên cứu của tổ chức sức khỏe cộng đồng tại Úc, bất cứ ai trong chúng ta cũng có khả năng phát triển mầm mống căn bệnh ung thư da trong quá trình phơi da trước nắng.
Chính bởi sự lơ là trước kẻ thù vô hình này nên mỗi năm có tới hàng chục nghìn người tử vong và hàng triệu người đang phải chống chọi với căn bệnh ung thư da quái ác trên khắp toàn cầu. Chưa
bao giờ những cảnh
báo đỏ về nguy cơ ung thư cùng vô số các vấn đề về da trước sự tác động của tia UV lại được các tổ chức y tế trên thế giới đặc biệt lưu tâm tuyên truyền trên diện rộng tới vậy. Do đó, hàng loạt các biện pháp ngăn cản sự tiếp xúc trực tiếp của tia UV đối với làn da – lá chắn bao bọc bên ngoài cùng của cơ thể cũng được khuyến cáo là nên được sử dụng như một thói quen thường nhật khi chúng ta “đối mặt” với ánh nắng, không chỉ ở ngoài trời, mà thậm chí ngay cả trong phòng có cửa kính trong suốt.
Việc chống nắng nóng cũng “muôn hình vạn trạng”. Đối với những người không quá cầu kỳ, các loại quần áo mũ nón bình thường dùng để mặc hàng ngày được trưng dụng để chống nắng nóng. Đây là hình thức đơn giản, tiện lợi, rẻ tiền nhất khi đối phó với tia Uv, tuy nhiên hiệu quả lại không cao. Nhóm cẩn thận hơn thì sử dụng kem chống nắng với cơ chế cản hoặc hấp thụ - chuyển hóa lại tia UV kiểu vật lý hoặc hóa học. Cao cấp hơn chút nữa là dùng trang phục chống nắng chuyên dụng với thành phần cấu tạo đặc biệt… Ngoài ra, tùy theo đặc thù khí hậu, cách sinh hoạt cũng khiến người dân của các nước trên thế giới có những kiểu chống nắng khác nhau tạo nên những “phong cách thời trang chống nắng” rất đa dạng và thú vị.
Theo một số nghiên cứu, người Việt Nam và châu Á nói chung có tỉ lệ ung thư da thấp hơn các nước khác nhờ cơ thể có cơ chế phần nào kháng lại được căn bệnh này. Vì vậy nên việc phụ nữ châu Á dùng đủ mọi biện pháp để chống nắng không hẳn chỉ hoàn toàn xuất phát từ nguyên nhân phòng ngừa ung thư hay các căn bệnh về da mà bởi một lí dó khác, đó là “học thuyết da trắng”. Nhìn chung thị hiếu của người châu Á là ưa chuộng nước da tươi sáng nõn nà. Làn da như trứng gà bóc không tì vết được coi như chuẩn mực của vẻ đẹp Á Đông. Bên cạnh quá trình sử dụng kem dưỡng, khẩu phần ăn uống để “tẩy” sáng nước da vàng đặc trưng thì việc che chắn cơ thể cẩn thận trước ánh nắng cũng là một yếu tố quyết định để có làn da như trong mơ của các thiếu nữ khu vực này.
Người dân Trung Quốc vô cùng yêu thích làn da trắng sứ, họ luôn tìm được những cách thức đa dạng để bảo vệ “báu vật” của mình trước sự đe dọa của tia UV. Từ những nỗ lực phủ tầng tầng lớp lớp quần áo lên người với hy vọng độ dày của vải sẽ ngăn cản việc xâm nhập của ánh nắng, cho tới độc đáo hơn là sử dụng facekini – một loại đồ có thiết kế kì cục để tránh nắng khi đi bơi.
Hiện tượng facekini tại các bãi biển tại Trung Quốc là biện pháp tránh nắng khá phổ biến ở nơi đây. Chúng khiến người nước ngoài cực kỳ ngạc nhiên xen lẫn sợ hãi khi thoạt nhìn thấy, được nhiều hãng thông tấn các nước tấp nập đưa tin như một xu hướng thời trang ngộ nghĩnh và đáng chú ý. Facekini được thiết kế theo dạng mặt nạ trùm kín đầu chỉ để lộ ra phần mắt, mồm và có chỗ khoét lỗ ở mũi để thở. Một số người đã liên tưởng facekini trông hệt loại mũ như các tay cướp thường đội khi tấn công ngân hàng. Facekini làm từ cao su mỏng, giá cả khá rẻ, chỉ từ 12-25 tệ (khoảng 36.000-75.000 vnđ), có đa dạng kiểu dáng và màu sắc rực rỡ, được bày bán la liệt tại các cửa hàng gần bãi biển. Tuy nhiên loại facekini này có một nhược điểm lớn là rất nhớp nháp và có mùi hôi khó chịu khi để nước lọt vào. Biện pháp che chắn triệt để khi đi bơi là mặc đồ bộ áo liền quần kín mít, đội facekini. Quả thật, với cách chống nắng tối ưu trên, đúng là bài toán khó cho các tia UV nếu muốn tấn công phụ nữ Trung Quốc.
Người Trung Quốc còn bảo vệ da cẩn thận tới mức ngay cả khi đang ngồi trong xe hơi, họ vẫn diện áo chống nắng hoặc đeo găng tay để bảo vệ da khỏi các tia UV lọt được qua cửa kính.
Tràn ngập hình ảnh phụ nữ Trung Quốc trùm facekini ra bãi biển
Mặc đồ kín như bưng không bỏ sót chỗ nào trên cơ thể trừ mắt, miệng và 2 lỗ mũi
Cấu tạo đơn giản của facekini
Sử dụng khẩu trang, găng tay dài khi đi xe hơi
Hàn Quốc và Nhật Bản có khí hậu ôn đới, mát và khô. Tuy nhiên, để bảo vệ làn da mỏng manh, người dân nước này cũng sử dụng một số biện pháp chống nắng khá hữu hiệu. Người Nhật thường xuyên đeo khẩu trang y tế khi ra đường không chỉ giúp bảo vệ da khỏi ánh sáng mặt trời mà còn để chống dị ứng phấn hoa, virus trong không khí và bụi bẩn. Người Hàn chuộng dùng ô, găng tay, mũ có cấu tạo chuyên biệt để chống nắng khi ra ngoài trời. Đặc biệt, do ngành công nghiệp mỹ phẩm của 2 nước này thuộc hàng phát triển nhất Châu Á, do vậy họ thường dùng kèm kem chống nắng để bảo vệ làn da của mình một cách toàn diện và khoa học.
Người dân Ấn Độ cũng đặc biệt ưa chuộng làn da trắng. Nhiều người coi đây là biểu tượng sự thượng đẳng, giàu có và sang trọng. Tại Ấn Độ, song hành cùng trào lưu cả nam giới lẫn phụ nữ đua nhau dưỡng trắng làn da sẫm màu thì họ cũng chú trọng “bảo quản” da khi ra ngoài trời bằng quần áo dày và cả kem chống nắng. Theo BBC, ngay cả ở các vùng nông thôn Ấn Độ, người dân cũng thường không cho con em mình chơi lâu ngoài trời, phải mặc áo và bôi kem chống nắng bởi “không người đàn ông nào muốn lấy một cô dâu da đen”. Bên cạnh đó không khí oi nóng đặc trưng của đất nước này cũng khiến người dân ở đây thường xuyên phải mặc quần áo, quấn khăn kín mít khi ra đường vì sợ bị cháy nắng.
Dân Nhật Bản đeo khẩu trang y tế khi ra đường
Dân Ấn Độ che chắn kỹ càng khi ra đường
Người dân Iran, đặc biệt là phụ nữ khi ra đường cũng thường xuyên quấn khăn và đeo những chiếc mặt nạ mặt nạ làm bằng vải thô hoặc nhung được thêu đính cầu kỳ che kín gần hết mặt. Điều này không chỉ là cách ăn mặc theo quy định của đạo Hồi mà để giúp họ tránh được sức nóng hừng hực của không khí đổ lửa tại vùng Trung Đông khắc nghiệt.
Những chiếc mặt nạ thêu dệt cầu kỳ
Phụ nữ Iran đeo mặt nạ để theo tín ngưỡng và để bảo vệ da trước ánh nắng
Nhiều phụ nữ Anh cũng đang khá ưa thích kiểu chống nắng của phái đẹp theo đạo Hồi. Công ty sản xuất đồ bơi Modestly Active của Anh cho biết dòng sản phẩm đồ bơi chống nắng mang ý tưởng từ trang phục của phụ nữ theo đạo Hồi đang rất được ưa chuộng, khi mỗi năm doanh số mặt hàng này tăng trưởng 300-400%. Đồ bơi chống nắng kiểu này gọi là burkini được làm từ thun lycra và nylon rất nhẹ, ôm sát cơ thể, trùm kín từ đầu tới mắt cá chân, được các cô gái nước Anh khá thích thú vì khả năng chống tia UV cao mà lại tạo ra được sự nổi bật, khác biệt so với mẫu đồ bơi thông thường.
Người dẫn chương trình truyền hình Nigella Lawson diện burkini
Phụ nữ Anh thích thú với burkini
Người Châu Mỹ ngoài việc sử dụng kem chống nắng để ngăn chặn tia UV thì họ còn có một cách thiên nhiên hơn, đó là lấy dầu oliu hoặc dầu dừa thoa lên cơ thể trước khi ra nắng để hạn chế tác hại của mặt trời.
Úc là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng từ tia cực tím mạnh nhất và có số người mắc, tử vong vì căn bệnh ung thư da cao nhất thế giới. Do đó, các mặt hàng trang phục chống tia UV chuyên nghiệp của nước này rất phát triển. Ngay từ đầu những năm 90, các nhà khoa học của Úc đã nghiên cứu ra loại vật liệu có khả năng hạn chế tốt các tia UV cho đồ may mặc, và đề ra khái niệm chỉ số UPF (Ultraviet Protective Factor - hệ số che chắn tia tử ngoại cho trang phục). Ở Úc người ta sử dụng đồ chống nắng rất linh hoạt và đa dạng, từ các loại mũ nón, quần áo chuyên dụng cho những người tập thể thao ngoài trời cho tới đồ chống nắng khi đi dạo, đi biển, leo núi… đều có thiết kế thông minh và kiểu dáng gọn nhẹ.
Ngoài Úc, một số nước phát triển khác như Canada, Zewzeland, Thụy Điển… ngành công nghiệp sản xuất trang phục chống nắng cao cấp cũng đang rất nở rộ khi các cảnh báo về nguy cơ tử vong do ánh nắng mặt trời đang dần có tác dụng đối với tâm lý của người dân.
Trang phục chống nắng sành điệu được làm từ chất liệu vải có chỉ số chống nắng cao của Úc
Trong bài tiếp theo chúng tôi sẽ điểm danh những lỗi cơ bản khiến việc chống nắng của người Việt không đạt hiệu quả mỹ mãn, thậm chí một số thói quen còn gây hại cho sức khỏe. Mời các bạn đón đọc!