Nhằm trau dồi kỹ năng tiếng Anh, chị Huệ tham gia vào trang mạng tagged.com để kết bạn với người nước ngoài.
Sau một thời gian email qua lại, chị bắt đầu lo lắng khi các chàng trai này đề nghị cung cấp địa chỉ, số tài khoản ngân hàng để gửi quà qua bưu điện.
"Có người tự xưng là Song Li Le, đang làm giám đốc một công ty vận tải ở Pháp muốn làm quen với mình. Sau một tháng gửi email qua lại, anh ta nói vừa đi công tác từ HongKong về có mua một món quà trị giá 19.000 đôla muốn tặng cho mình, rồi yêu cầu gửi thông tin họ và tên, số điện thoại và số tài khoản ngân hàng đang dùng. Ban đầu mình cũng định gửi nhưng nghe mọi người nói là lừa đảo nên lại thấy lo quá", Huệ băn khoăn.
Theo ghi nhận của VnExpress.net, thời gian gần đây nhiều kẻ lừa đảo công nghệ cao vẫn thường dùng những chiêu tặng quà tương tự như trường hợp trên để lừa đảo một số phụ nữ độc thân ở TP HCM. Chúng thường dùng những cái tên như Wiliam Philip, John Brown, Fred Smith, Tu Fine... đến từ Anh, Pháp, Scotland..., thường tỏ ra rất lịch thiệp khi ngỏ ý làm quen trên các trang mạng xã hội.
Sau thời gian trao đổi qua email và điện thoại nhằm tạo mối liên hệ về tình cảm, kẻ lừa đảo bắt đầu gửi thư ngỏ ý gửi tặng quà biếu, bưu phẩm cho "con mồi" thông qua một công ty giao nhận nước ngoài, với yêu cầu người nhận phải bỏ tiền ra đóng các loại thuế vận chuyển. Nhiều phụ nữ tin tưởng mù quáng, chuyển số tiền từ vài chục triệu đồng đến hàng nghìn đôla vào tài khoản mạo nhận công ty của kẻ lừa đảo và bị mất trắng.
Đối tượng của nhóm lừa tình này là các phụ nữ độc thân hoặc đã ly dị chồng và có tài sản. Đến nay đã có ít nhất 4 phụ nữ ở TP HCM gửi đơn đến cơ quan công an tố giác bị lừa đến hàng trăm triệu đồng vì những chiêu như vậy.
Như trường hợp của bà Trúc (TP HCM). Bà này làm quen với một người đàn ông tự giới thiệu ở Anh tên là Fread Smith. Để chứng tỏ tình cảm của mình, Fread cho biết sẽ gửi về Việt Nam tặng bà một món quà có giá trị lớn gồm máy chụp ảnh, quay phim, nữ trang và cả tiền. Ít lâu sau, một người khác tự xưng là Thomas Young, giám đốc điều hành một công ty vận tải quốc tế, chịu trách nhiệm giao món quà trên cho bà Trúc, nhiều lần yêu cầu bà này chuyển tiền đóng các loại phí, tổng cộng lên đến gần 8.000 USD. Đến lần yêu cầu cuối cùng, bà Trúc mới giật mình, nghi ngờ và không đồng ý chuyển tiền tiếp tục, đồng thời nhờ công an vào cuộc điều tra chặn đứng hành vi lừa đảo trên.
Ngoài ra theo thông tin cảnh báo từ trung tâm an ninh mạng Đại học Bách khoa Hà Nội, ngày càng có nhiều người Việt Nam do mất cảnh giác đã bị lừa tiền, thẻ tín dụng… từ việc bị ăn cắp mật khẩu trên các trang mạng.
Là một người từng trải có nhiều kinh nghiệm kết bạn với người nước ngoài, chị Thu Huyền, một giáo viên sống ở quận 8, TP HCM, cũng khuyên, chị em phụ nữ không nên quá tin tưởng vào những người đàn ông ngoại quốc giàu có như trên. Mặc dù những trò lừa đảo này không mới, song do sự mù quáng trong tình cảm hoặc lòng tham mà nhiều chị em rất dễ bị mắc bẫy.
Ngoài ra bọn chúng còn giả danh là con của một tài phiệt lớn chẳng may bị chết và được thừa kế hàng triệu đô, muốn ngỏ ý chuyển tiền cho mình để giúp chúng trốn thuế, sau này số tiền đó sẽ được chia đôi. Tuy nhiên nạn nhân phải chuyển phí trước cho chúng ở mức vài nghìn đô la.
"Bạn cần hiểu một điều không ai cho không ai cái gì bao giờ. Trường hợp trên, nếu thực sự có cảm tình nên yêu cầu người ấy đến chơi thay vì gửi quà thì chính kẻ giăng bẫy sẽ bị lật tẩy", cô giáo Huyền khuyên.
Cô giáo cũng chia sẻ một số đặc điểm để nhận diện các "chàng lừa" công nghệ cao, theo kinh nghiệm tiếp xúc qua mạng của chị từ nhiều năm nay:
1. Người này thường copy nguyên những bức thư mẫu trên mạng, thậm chí đúng từng dấu chấm, phẩy gửi cho bạn. Để kiểm chứng điều này, bạn chỉ cần copy một đoạn trong bức thư đó và dùng công cụ google để tìm kiếm sẽ biết ngay.
2. Sử dụng hình cá nhân có dung lượng thấp (khoảng 2kb), thông thường những bức ảnh này được copy từ Internet để gửi cho bạn. Thậm chí nhân vật trong những bức ảnh trước và sau không phải của cùng một người.
3. Nói lời tình tứ ngọt ngào chỉ sau một thời gian ngắn làm quen, trong khi đó không bao giờ cho xem webcam.
4. Trong khi nói chuyện thường đề cập đến một số sự kiện, kỷ niệm chưa bao giờ xảy ra giữa hai người. Thêm vào đó là một vài sai số về thời gian (ở đây bạn cần để ý múi giờ ở nước của họ, nếu thấy họ chào buổi sáng trong khi ở nước đó là buổi tối thì đúng là "chàng lừa").
5. Luôn tỏ ra đồng cảm. Nếu bạn giới thiệu đã có con hoặc ly dị thì người kia cũng nói hoàn cảnh tương tự như thế nhằm tìm sự đồng cảm. Đồng thời luôn thể hiện cho thấy mình giàu có, yêu cuồng nhiệt bạn (mặc dù chưa một lần gặp mặt). Cuối cùng là muốn kết hôn và đưa bạn ra nước ngoài sống.
6. Thường hỏi thăm bạn thích gì và luôn hứa chắc chắn sẽ giúp bạn thỏa mãn ước mơ của bạn.
7. Ở đây không ngoại trừ khả năng chàng lừa này là người Việt Nam. Một số câu tiếng Anh ngô nghê như "I see you no love me" hoặc lời chào buổi sáng, buổi tối trùng hợp với giờ Việt Nam thì có thể anh ta chính là người Việt Nam.
6. Nếu như bức thư đó rơi vào hộp thư rác thì khả năng người này đang cùng một lúc gửi email cho hàng loạt đối tượng chứ không riêng gì bạn.
7. Ngày nào cũng gửi thư cho bạn liên tục, song bẵng đi một thời gian từ 2 đến 7 ngày không gửi làm cho bạn thấy nôn nao, mong ngóng. Sau đó tiếp tục gửi email và thông báo vừa đi công tác xa về có mua quà cho bạn.
7. Với những chàng lừa cao tay hơn, thường đưa ra một viễn cảnh kinh tế, tình cảm tốt đẹp phía trước và hứa sẽ về Việt Nam gặp mặt, đón bạn sang nước ngoài sống. Tuy nhiên sau đó lại tìm lý do để thất hứa.
8. Dù bắt đầu như thế nào thì kết thúc của kịch bản lừa đảo, người đó thường dùng những chiêu gửi quà, tiền, bưu phẩm có giá trị lớn cho bạn và yêu cầu bạn gửi những thông tin cá nhân, địa chỉ, tài khoản ngân hàng... Và nếu bạn mù quáng làm theo như những gì anh ta nói thì bạn sẽ sập "bẫy" của hắn.
Nguồn afamily