Kiểm soát chồng bằng mọi giá
|
Ảnh minh họa
|
Theo lời chị Hằng thì chồng vừa lôi thôi, vừa keo kiệt, lên giường không đánh răng, đi giày không đi tất. Còn chị Bình lại phàn nàn chồng thường ngáy như công nông lên dốc, đêm dậy nhìn chồng tưởng ma vì hàm răng như rơi ra ngoài. Cô Định lại rên rẩm vì chồng hay bia bọt, ăn nói thô lỗ, cục cằn. Các chị càng kể, tôi càng chẳng hiểu sao họ lại lấy phải những ông chồng xấu xí, bẩn thỉu, lười nhác, vô dụng ấy.
Vì thế, theo lời các chị và theo suy nghĩ của tôi, người “toàn mỹ” như chồng tôi là một con cá lớn mà hàng trăm cần câu luôn rình mò để nẫng mất. Các chị cũng đe dọa tôi rằng sẽ mất chồng như chơi. Tôi thử thăm dò chồng bằng cách kể vài chuyện: “Anh C trông hiền lành thế mà cũng có bồ” rồi “chị B đến tận cơ quan chồng đánh ghen”. Chồng tôi bực bội, mắng tôi hay để ý chuyện linh tinh. Hình như chồng tôi có tật giật mình.
Tôi quản chồng chặt chẽ. Chồng tôi luôn phải báo cáo lịch trình trong ngày, đi đến đâu, với ai, làm gì, nói chuyện gì? Điện thoại chồng cũng phải luôn mở để tôi gọi điện kiểm tra bất cứ lúc nào. Tôi còn thường xuyên xạc pin điện thoại để chồng đỡ lấy lý do “hết pin” mà tắt điện thoại.
Có lần, chồng tôi cũng chơi trò tắt điện thoại và về nhà muộn. Lòng tôi như lửa đốt, trước mắt tôi luôn hiện ra cảnh chồng mình lả lơi, ôm ấp người đàn bà khác. Tôi đã gọi hàng chục cuộc điện thoại cho bố mẹ hai bên, cho bạn bè, đồng nghiệp của chồng để hỏi. Không được, tôi chẳng ngại ngần gọi điện cho sếp của chồng để hỏi xem có phân công chồng tôi đi họp hành gì không?
Lần đấy, chúng tôi cãi nhau to. Nhưng tôi càng thấy chồng tôi có vấn đề. Mỗi lần chồng đi làm về, tôi thường săn đón, hỏi han, ôm hôn thắm thiết, kỳ thực là tìm xem có mùi lạ, có vết lạ trên quần áo không. Ví của chồng đương nhiên tôi quản, không để trong ví quá nhiều tiền, cũng luôn biết anh ấy tiêu gì trong ngày.
Lạt mềm buộc chặt
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Văn Đoàn - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển cộng đồng và trẻ em thì tình trạng chị em phụ nữ có tâm lý, suy nghĩ như nhân vật trong câu chuyện kể trên không phải là hiếm. Theo ông Đoàn: “Việc trói buộc, kiểm soát nhất cử nhất động của nhau chính là “mảnh đất màu mỡ” làm nảy mầm và nuôi dưỡng sự nghi kỵ, thiếu tôn trọng, bóp nghẹt tình yêu”.
Qua những lần tiếp xúc với các trường hợp “có vấn đề trong hôn nhân”, ông dẫn chứng: Thậm chí có bà vợ tìm cách ăn trộm cả mật khẩu Yahoo Messenger và hộp thư của chồng. Hàng ngày họ dùng yahoo của chồng thả vài mồi câu với các nick có tên đèm đẹp và ảnh avatar bắt mắt. Và những hậu quả bi hài liên tiếp xảy ra từ cái trò giả danh đó. Thế nhưng, họ vẫn biện minh: “Tôi chỉ vì hạnh phúc của gia đình mình thôi”. Đó là một sai lầm - ông Đoàn khẳng định.
Ông Nguyễn An Chất - Giám đốc một Trung tâm tư vấn, cho rằng: “Có hai điều mà phụ nữ không nên “chạm” vào. Đó là tự do và tự trọng. Dù lấy vợ nhưng đàn ông luôn cần một khoảng trời rộng để vẫy vùng, để thoả chí tự chủ, để dành cho những thú vui riêng tư và quan hệ giao thiệp với bạn bè. Vì thế, phụ nữ khôn ngoan là nối cho chồng một sợi dây dài, để anh ta thoả sức bay bổng, “tưởng là mình tự do” trong khi đó, vợ vẫn đang “nắm dây diều”, muốn chồng quay về lúc nào là phải quay. Họ sẽ vô cùng khó chịu nếu cảm thấy bị điều khiển, bị soi xét, truy hỏi.
Nguyên tắc nữa là “đàn ông chịu khổ nhưng không chịu nhục”. Vì thế, vợ làm gì thì làm cũng đừng để chồng tự ái, nhục nhã, thấy lòng tự trọng bị xâm hại, thấy mình không phải là “đấng nam nhi đội trời đạp đất”. Khi có mâu thuẫn thì biện pháp tốt nhất là “vợ chồng đóng cửa bảo nhau”, giữ thể diện cho chồng.
Nếu thực là chồng có bồ, có mắng chửi, đánh ghen, hạ nhục cũng không làm việc đó biến mất. Chị em đừng vội bù lu bù loa lên mà đợi lúc mình trấn tĩnh được hãy thu xếp cuộc nói chuyện điềm đạm nhưng dứt khoát với chồng. Sống một cách cao thượng chính là “vũ khí” khiến những người đàn ông hiểu biết phải “đầu hàng vô điều kiện”.