(BTN)- Ở Tây Ninh, sau những ngày Tết Nguyên đán là mùa lễ hội xuân. Chủ yếu là hai lễ hội tín ngưỡng tôn giáo ở núi Bà Đen và khu nội ô Toà thánh Cao Đài. Tại núi Bà Đen từ sau ngày đất nước thống nhất, hoà bình có thêm lễ hội truyền thống cách mạng ở động Kim Quang, di tích căn cứ kháng chiến của huyện Toà Thánh (Hoà Thành ngày nay). Hội xuân Núi Bà năm Quý Tỵ đã tưng bừng khai mạc hôm mùng 4 Tết (15.2.2013). Còn lễ hội của đạo Cao Đài là đại lễ vía Đức Chí Tôn thì mới bắt đầu hôm qua, mùng 8 (17.2.2013), với việc khai mạc khu vực triển lãm hai bên sân Đại đồng xã trước Đền Thánh, kéo dài đến ngày rằm tháng Giêng Quý Tỵ.
|
Quần chúng tín đồ và khách tham quan xem triển lãm
|
Theo quan niệm của người theo đạo Cao Đài, Đức Chí Tôn chính là đấng tạo hoá, hoá sanh ra vạn vật trong càn khôn vũ trụ. Do vậy, người đạo tôn kính gọi là đấng cha hiền (Đại từ phụ) của nhân loại. Và người đạo cũng quan niệm là cùng với đấng cha hiền, nhân loại còn đấng mẹ hiền (Đại từ mẫu) là Đức Diêu Trì Kim Mẫu. Từ đó theo tín ngưỡng đạo Cao Đài, hằng năm tôn giáo này có hai ngày lễ trọng đại nhất là vía Đức Chí Tôn, chính lễ là ngày mùng 9 tháng giêng, và vía Đức Diêu Trì Kim Mẫu, tức lễ Hội Yến Diêu Trì Cung, ngày rằm tháng 8 âm lịch.
|
Mô hình lớp học của cụ Nguyễn Đình Chiểu (các họ đạo tỉnh Bến Tre)
|
Vì sao ngày vía Đức Chí Tôn là ngày mùng 9 tháng Giêng? Theo định nghĩa trong sách Cao Đài từ điển của tác giả Đức Nguyên thì ngày vía Đức Chí Tôn (tức là Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế) là một ngày tượng trưng được chọn theo thuyết âm dương của Nho giáo. Theo đó “Số 1 là số khởi đầu, là số dương, nên chọn tháng là tháng 1, tức là tháng Giêng. Số 9 là số thuần dương nên chọn ngày là ngày 9”. Như vậy theo Dịch số, Vía Đức Chí Tôn được chọn là: ngày mùng 9 tháng Giêng hằng năm. Cũng theo Dịch số của Nho giáo: “Số 0 tượng trưng Vô Cực, là Hư Vô chi khí. Số 1 tượng trưng Thái cực là ngôi của Đức Chí Tôn… nên chọn số 1 làm tháng (chọn tháng trước ngày sau), đến số 9 là số thành hình nên chọn số 9 làm ngày. Do đó, ngày Vía Đức Chí Tôn được chọn là ngày mùng 9 tháng 1 để bày tỏ cho biết quan niệm về vũ trụ: cái khởi đầu và cái sau cùng hình thành càn khôn vũ trụ và vạn vật, hoàn toàn do quyền năng của Đức Chí Tôn. Tóm lại ngày vía Đức Chí Tôn không phải là ngày giáng sanh, mà chỉ là ngày do nhơn loại chọn ra để tượng trưng Đức Chí Tôn và sự hình thành càn khôn vũ trụ, vạn vật” .
|
Mô hình Nguyễn Trung Trực trong gian triển lãm của Ban Đại diện và các họ đạo tỉnh Kiên Giang
|
Theo chương trình hành lễ của Hội thánh Cao Đài Tây Ninh, lễ vía Đức Chí Tôn năm nay mở đầu với việc khai mạc các gian triển lãm trong buổi sáng ngày mùng 8, đến 19 giờ diễn ra cuộc rước lễ với màn múa Long Mã, Tứ Linh (Rồng nhang, Ngọc kỳ lân, Quy, Phụng) và dàn nhạc dân tộc trước Đền Thánh, Báo Ân Từ, qua Đông, Tây khán đài (khu vực triển lãm).
|
Mô hình Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (Ban đại diện Hội thánh và các họ đạo tỉnh Đồng Nai)
|
Khai mạc cuộc triển lãm, đồng bào có đạo và khách tham quan được chiêm ngưỡng 25 gian triển lãm của các họ đạo trong và ngoài tỉnh Tây Ninh, cùng các cơ quan hành đạo trong nội ô Toà thánh. Đáng chú ý là nội dung triển lãm lễ vía Đức Chí Tôn năm nay có nhiều cái mới. Đặc biệt là không chỉ có một số gian triển lãm các sự tích nhằm khuyến tu, xưng tụng đạo đức, tín ngưỡng tôn giáo (như các sự tích Lục Tổ Huệ Năng, Thần Nông, Khương Tử Nha, Về chùa mới), hay ca ngợi lòng hiếu thảo theo sách Nhị thập tứ hiếu, lòng chung thuỷ của con người như các gian triển lãm Mẫn Tử Khiên (họ đạo Trường Hoà, huyện Hoà Thành); Ngu Thuấn (họ đạo Hiệp Long, xã Hiệp Tân, Hoà Thành; Lộc nhũ phụng thân (Ban Đại diện Hội thánh và các họ đạo tỉnh Đồng Tháp; Trầu Cau (Ban Đại diện Hội thánh và các họ đạo thành phố Hồ Chí Minh)… mà còn phần lớn các gian triển lãm trưng bày sự tích của các danh nhân, danh tướng, các vị anh hùng dân tộc của đất nước ta như Lạc Long Quân - Âu Cơ (họ đạo thị trấn Hoà Thành); Nguyễn Đình Chiểu (Ban Đại diện Hội thánh và các họ đạo tỉnh Bến Tre); Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (Ban đại diện Hội thánh và các họ đạo tỉnh Đồng Nai); Nguyễn Trung Trực (Ban Đại diện Hội thánh và các họ đạo tỉnh Kiên Giang); Mai An Tiêm (họ đạo Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành); Nguyễn Bỉnh Khiêm (họ đạo Hiệp Long, xã Hiệp Tân, Hoà Thành); Hải Thượng Lãn Ông (họ đạo Hiệp Long, xã Hiệp Tân, Hoà Thành); Thánh Gióng (họ đạo Hiệp Ninh, thị xã Tây Ninh); Đinh Bộ Lĩnh (họ đạo Ninh Phước, xã Ninh Thạnh, Thị xã); Lê Lợi (họ đạo Trường An - Trường Lưu, xã Trường Hoà, huyện Hoà Thành); Hai Bà Trưng (họ đạo Hiệp Long, xã Hiệp Tân, Hoà Thành).
|
Sự tích Quả dưa hấu- An Tiêm (họ đạo Long Thành Bắc - Hoà Thành)
|
Điểm qua các gian triển lãm năm Quý Tỵ cho thấy một bước tiến mới trong nhận thức của người đạo Cao Đài, một tôn giáo thuần tuý “nội địa”, thành lập tại Việt Nam đầu thế kỷ XX, đó là tinh thần dân tộc được đề cao; ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước tăng lên, ảnh hưởng tư tưởng thần bí theo các điển tích cũ trong truyện Tàu giảm hẳn.
Mùa hội xuân mới bắt đầu, những ngày vui xuân mới ở Tây Ninh còn tiếp diễn khoảng một tuần nữa. Các khu tham quan, chiêm bái núi Bà Đen, khu nội ô Toà thánh đang thu hút mạnh mẽ khách thập phương. Hy vọng với dòng người trẩy hội tấp nập từ nay đến rằm tháng Giêng, việc giữ gìn trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội vẫn được bảo đảm như từ những ngày giáp tết đến nay.
|