Cũng đã hơn 1 năm từ sau chuyến leo nhầm núi năm ngoái tui mới trở lại vùng đất Long Khánh này (không tính mấy lần đi ngang). Nhưng lần này quay trở lại không phải vì mục đích leo núi nữa – ngọn núi này sau đó chúng tôi đã trở lại và chinh phục xong. Đợt này quay trở lại theo tiếng gọi của… cái bao tử. Đầu đuôi là nhà anh bạn có vườn trái cây trên này, đang mùa thu hoạch nên rủ đồng bọn về nhà “thu hoạch phụ”.
Sáng sớm hò hẹn nhau xong đi thẳng ra quán bún bò Huế phía sau nghĩa trang liệt sĩ, ăn đại tô bún bò rồi đua thẳng lên Long Khánh. Nói đôi chút về cái chỗ bún bò này, quán bún này thật ra theo tui thì chẳng có gì đặc biệt – hoặc là do tui không cảm nhận được cái vị ngon của nó. Nhưng mọi người cứ thường hẹn nhau theo quán tính ở đây, mấy hôm cuối tuần đến đây kiểu nào cũng thấy cảnh hàng loạt xe hơi đậu san sát ở đây.
Vị ngon bún bò như tui đã nói là không thấy gì đặc biệt, cái đặc biệt là phía sau quán này có 1 cái mô hình hoàng thành Huế rất là đẹp, chi tiết và khá đầy đủ các cung điện của hoàng thành Huế, từ Ngọ Môn, điện Cần Chánh tới Duyệt Thị Đường, Phu Văn Lâu… Mọi người nếu có dịp ghé đây nên xin gia chủ cho vô xem cho biết (họ ít khi mở cửa khu này vì hình như họ làm không phải để cho du khách xem).
Quay lại vụ ăn uống, ngày xưa nhắc đến trái cây người ta thường nghĩ đến Lái Thiêu, nhưng giờ Lái Thiêu đã quá mang tiếng vì kiểu kinh doanh không có quản lý, chặt chém khách hàng nên cũng chẳng mấy ai lên nữa – tiếc cho một thương hiệu tốt không biết cách quản lý. Còn Long Khánh, ngoài Lái Thiêu thì từ lâu Long Khánh cũng đã nổi tiếng nhiều về trái cây, có lẽ do tính chất đất đỏ bazan nên Long Khánh phù hợp với nhiều loại trái cây, nên xưa nay vẫn có câu:
Sầu riêng, măng cụt, chôm chôm Xoài ngon, mít ngọt, chuối thơm nghìn trùng.
Đó chỉ là tiêu biểu những loại trái cây ở đây, còn nhiều chủng loại khác nữa. Và hôm nay món mục tiêu mà chúng tôi sẽ “thu hoạch” là: Chôm chôm.
Chôm chôm là một loại trái cây không du nhập từ đâu hết, xuất xứ của nó là từ chính vùng Đông Nam Á này. Bây giờ thì nó được mang đi trồng ở khá nhiều nước khác nhưng cũng chỉ là những nước nhiệt đới, do đó mấy bạn Châu Âu có thèm thì cũng chỉ có nước nhập khẩu về mà ăn
Trở lại chuyến đi, sau khoảng 1 tiếng “bò” trên đường thì cũng tới vườn cây nhà anh Nhoi (tên này anh em đặt vui, ổng tên khác). Bước vô vườn, 2 bên con đường là cơ man quá trời chôm chôm. Cây nào cũng quá trời trái, trái gần trái xa, trái ngay tầm mắt, trái dưới tầm tay, trái ngang tầm… miệng.
Chôm chôm nhãn
Trĩu xuống tận đất.
Bắt đầu sà vào… chiến đấu
====================================================..
.
đăng 08:50 06-08-2011 bởi Nhan Pham
Tân Hiệp quán là nhà hàng nổi tiếng ở Biên Hòa. Lúc mới mở, Tân Hiệp Quán nằm trên đường Hàm Nghi (nay là đường Cách mạng tháng 8) trên bờ sông Đồng Nai, do bà Huỳnh Thị Sớm thành lập từ năm 1952. Chỉ có khách hàng là dân đạp xích lô, thợ lặn lấy cát, nhân viên kiểm lâm.. với các món chủ yếu là bánh mì patê, bánh bao, hủ tíu, cà phê... Dần dần, Tân Hiệp Quán hình thành các món ăn cầu kỳ như đầu cá bánh canh, chả giò, nem nướng, gan nướng, gà quay, bì cuốn... Nhưng cái món làm cho Tân Hiệp quán "nổi đình nổi đám" và góp phần làm rạng danh kho tàng ẩm thực xứ Biên Hòa là xôi chiên phồng.
Xác lập kỷ lục xôi chiên phồng to nhất tại Liên hoan ẩm thực (TPHCM - 2009)
Lúc bấy giờ, do nằm trên quốc lộ 1 là con đường độc đạo nên khách từ miền Tây lên, từ Vũng Tàu vào, từ Sài Gòn ra đều đi ngang Tân Hiệp quán và là điểm dừng chân của khách vãng lai nên món ngon của Tân Hiệp quán được loan truyền khá rộng. Bà Đinh Thị Ha (con gái út bà Sớm) kể về "sự tích" món đặc sản làm nên thương hiệu của Tân Hiệp quán như sau: Tình cờ trong một lần chiên xôi - cách chiên như miếng bánh dẹp để đem đến lễ chùa, lễ đình - người đầu bếp của Tân Hiệp quán phát hiện thấy một góc của miếng xôi phồng to lên. Cả nhà ngạc nhiên xúm lại xem và bàn thảo, sau đó là những lần làm kế tiếp đều chú ý để rút kinh nghiệm. Thế rồi món xôi chiên phồng đã được đúc kết ra từ khâu nấu xôi phải chín đều, không được nhão cũng không được khô; kế đến là khâu nhồi xôi, trộn đường, ép xôi, khi chiên thì phải là chảo gang dành riêng cho món này; vá để dằn và xoay, lật xôi trong quá trình chiên cũng là loại vá làm bằng gang, lưỡi vá bằng chứ không trũng. Người chiên phải kiên nhẫn, khéo léo và đều tay xoay trở xôi thì mới tạo được độ phồng tròn đều, xôi chín vàng cả phần ngoài lẫn bên trong, khi cắt ra không có phần xôi dư, cắn vào miếng xôi thấy giòn nhưng vẫn giữ được sự mềm mại của nếp, vị ngọt nhẹ của đường và mùi thơm của các thứ quyện lại.
Người sành ăn ở Biên Hòa và ở các tỉnh, thành lân cận trước năm 1975 thường hay hò hẹn hoặc đưa gia đình, bạn bè cuối tuần về Biên Hòa ăn đầu cá bánh canh, ăn nem nướng, xôi phồng, khi về cũng không quên mua thêm vài chiếc bánh phồng về làm quà. Tuy nhiên, bà Út Ha nói hồi đó nấu bằng củi, đứng chiên xôi phồng riết mà cay xè hai con mắt, vì vậy chỉ phục vụ ăn tại chỗ và mỗi bàn chỉ được mua 2 chiếc đem về, nhà hàng không thể đáp ứng đủ yêu cầu.
Theo thời gian, những người thợ nấu ăn ở Tân Hiệp quán đã tỏa đi bốn phương tám hướng, mang theo cả kinh nghiệm làm xôi chiên phồng. Tuy nhiên, Tân Hiệp quán vẫn được coi như là cái nôi của món xôi chiên phồng sau ngày giải phóng, khi nhà hàng do Công ty khách sạn ăn uống Đồng Nai quản lý. Hồi mới khởi công công trình thủy điện Trị An, bà Út Ha đã được công ty điều lên Trị An thực hiện hai món ăn là súp măng Tây và xôi chiên phồng để Ban tổ chức đãi khách trong và nước ngoài đến dự lễ khởi công. Khách sạn 57 (nay là Khách sạn Đồng Nai, thuộc Công ty du lịch Đồng Nai) cũng đã từng giành giải nhất trong cuộc thi ẩm thực do ngành du lịch Việt Nam tổ chức với món xôi chiên phồng.
Giờ đây món xôi chiên phồng hầu như đã phổ biến từ Nam ra Bắc, từ nhà hàng khách sạn đến cả những người nấu ăn thuê cũng đều hay đưa món xôi chiên phồng - gà quay hay gà luộc, cánh gà chiên nước mắm... vào thực đơn. Tuy nhiên, nói như một vị khách Pháp đã ở Việt Nam khá lâu thì: "Chỉ khi về Đồng Nai thưởng thức món xôi chiên phồng, tôi mới cảm nhận có hương vị gì đó rất riêng, không chỉ từ vị của xôi mà từ đôi bàn tay người thợ nấu ăn tài hoa, khéo léo trong khi chiên, họ như gắn cả hồn mình vào từng chiếc xôi phồng một cách rạng rỡ...".
|
========================
đăng 04:13 21-02-2011 bởi Nhan Pham
Các bạn có biết 2 thứ bánh trong hình trên là bánh gì không?
Đó là loại bánh làm bằng nếp giống như bánh tét, bánh chưng nhưng không có nhân, và kích thước nhỏ hơn rất nhiều. Chúng có tên là bánh cúng (cái bánh dài) và bánh cấp (cái hình chữ nhật).
Theo giải thích của TS Huỳnh Tới, đây là loại bánh dân gian của người Chăm dùng vào dịp cúng lễ. Ý nghĩa của chúng là dùng sản vật tinh khiết tự nhiên của đất trời để dâng cúng, do đó chỉ có nếp thôi chứ không có... thịt mỡ như bánh tét của ta. Ăn bánh này chấm với mật ong (cũng là sản vật tinh khiết tự nhiên).
Nếu như bánh dày bánh chưng của Việt Nam tượng trưng cho Trời và Đất, thì ý nghĩa của bánh cúng - bánh cấp thực tế hơn rất nhiều. Bánh cúng (dài) tượng trưng cho... Linga (bộ phận sinh dục nam), bánh cấp (chữ nhật) tượng trưng cho... Yoni (bộ phận sinh dục nữ). Đây chính là nền văn hóa phồn thực của dân tôc Chăm, vì nhờ vào linga và yoni mà vạn vật mới sinh sôi nảy nở.
Vì thế, nếu ăn thì phải ăn một cặp mới... đúng lẽ tự nhiên! (có lẽ cũng vì thế nên cái bánh mới nhỏ nhắn, chứ nếu to như bánh tét - bánh chưng mà ăn một cặp chắc... chêt!) ___
Ghi chú: Trên một vài trang web tôi thấy nói rằng bánh cúng bánh cấp là của người Kh'mer. Đặc biệt, có một bài viết trên vnthuquan của tác giả Xuân Toàn cho rằng cách gọi tên bánh cúng - bánh cấp là sai. Theo tác giả Xuân Toàn:
- Bánh cuốn là cuốn lá tròn đặng bỏ nếp vô cột bít lại mà nấu, tục kêu là bánh cúng, bánh nào lại không cúng được?
- Bánh cặp là bánh gói 2 bánh cặp một, chớ kêu bánh cấp thì xa lắm.
Tôi e rằng lập luận của Xuân Toàn là không đúng. Nếu các bạn có thông tin gì hay hơn thì xin góp ý nha.
|
.
|