Luôn có một quy luật bất biến trong thời trang, đó là liên tục biến đổi và xoay chuyển theo sự thay đổi của lịch sử xã hội. Thế nên, ở mỗi thời kỳ lịch sử, thời trang lại có một bộ mặt khác, phù hợp với đời sống chính trị xã hội trong từng giai đoạn tương ứng. Thời trang Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Nếu trong giai đoạn phong kiến, trang phục dân tộc bị chi phối mạnh mẽ bởi lề thói và quy định khắt khe của Nho giáo, thì trong giai đoạn cuối cùng của chế độ phong kiến, và sau khi triều Nguyễn sụp đổ vào năm 1945 của thế kỷ 20, cùng với sự xâm nhập mạnh mẽ của văn hóa phương Tây trong suốt thế kỷ này đã góp phần tác động sâu sắc đến thời trang Việt Nam, dẫn đến hàng loạt các thay đổi quan trọng trong xu hướng ăn mặc và quan niệm thẩm mỹ của người dân. Cùng điểm qua những thay đổi mang tính chất lịch sử làm nên “chiếc áo mới” cho thời trang Việt Nam giai đoạn cận hiện đại và hiện đại như ngày nay.
Sự cách tân “chóng mặt” của áo dài
Không có giai đoạn nào trong suốt các thế kỷ trước đó mà áo dài lại có những cách tân liên tục và nhanh chóng đổi “mốt” như trong thế kỷ 20. Nếu những năm đầu thế kỷ 20, dưới triều Nguyễn, phần đông áo dài phụ nữ thành thị đều được may theo thể năm thân, hay năm tà, mỗi thân áo trước và sau đều có hai tà, khâu lại với nhau dọc theo sống áo, thêm tà thứ năm ở bên phải, trong thân áo, không chít eo; thì ở miền Bắc khoảng năm 1910 – 1920 đã có thêm một số “biến tấu” nhỏ như may thêm một cái khuyết phụ khoảng 3cm bên phải cổ áo, cài khuy cổ lệch qua giúp phần cổ áo hở ra trông quyến rũ hơn, và cũng là để khoe chuỗi hột trang sức nhiều vòng quanh cổ.
Đến năm 1939, nhà tạo mẫu Cát Tường tại Hà Nội đã mở đầu cho khuynh hướng cách tân mạnh mẽ của tà áo dài hiện đại so với lối cổ điển trước kia, mà ông gọi là kiểu áo Le Mur. Theo đó, kiểu áo dài được ông “Âu hóa” một cách tối đa, với phần cổ áo khoét hình trái tim, hoặc gắn thêm cổ bẻ, cài thêm nơ ở trước cổ, vai áo may bồng, tay nổi ở vai, khuy áo may dọc trên vai và sườn bên phải. Mặc dù lúc đầu vấp phải không ít phản đối, nhưng càng về sau kiểu áo này càng được nhiều thiếu nữ yêu chuộng. Tuy nhiên, đến năm 1943, xu hướng mặc áo dài Le Mur đã thoái trào để nhường cho một kiểu áo dài mới quyến rũ và nữ tính hơn, đó là kiểu áo dài được may có eo.
Theo các tài liệu nghiên cứu, thì kiểu áo dài may có eo bắt đầu xuất hiện vào khoảng năm 1950, bởi trong giai đoạn này, chế độ phong kiến đã hoàn toàn sụp đổ, tư tưởng khắt khe của Nho giáo đã ít nhiều mai một và các trào lưu văn hóa phương Tây đã bắt đầu có những ảnh hưởng nhất định đến quan niệm thẩm mỹ và thời trang của đại đa số tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người dân thành thị. Kiểu áo dài có eo này được các thợ may khôn khéo cắt lượn theo thân người, với phần thân áo sau rộng hơn thân áo trước, nhất là ở phần mông, để áo ôm theo thân dáng mà không cần chít eo. Vạt áo cũng được cắt hẹp hơn, thân áo được cắt ngắn dần từ giai đoạn này.
Đến thập kỷ 60, áo nịt ngực ngày càng phổ biến hơn vì vậy áo dài bắt đầu được may chít eo, với phần eo áo được cắt cao để hở cạp quần, phần ngực nhiều khi may rất chật để ôm sát và tôn tối đa đường cong của chị em phụ nữ. Không dừng lại ở phần chít eo, áo dài giai đoạn này trải qua nhiều cải biến thay đổi đến “chóng mặt”, từ loại áo dài cổ thuyền, sau này là cổ khoét tròn theo kiểu Trần Lệ Xuân, hay đến gần cuối thập kỷ này là kiểu áo dài mini với vạt áo may hẹp và ngắn, có khi đến đầu gối. Tay áo raglan cũng đã bắt đầu xuất hiện từ thời điểm này và được ưa chuộng cho đến ngày nay. Các loại áo dài với phần eo được may thắt lại, hay dùng dây quanh áo phía trong ở vòng hai để eo được nhỏ hơn; hay áo dài được may với hai ba lớp lót cũng rất được ưa chuộng, đặc biệt là tại Sài Gòn.
Đến những năm 90, áo dài đã trở lại cầu kỳ hơn, thanh nhã hơn sau một thời gian dài được may đơn giản do còn nhiều hạn chế về điều kiện vật chất khi vừa thống nhất đất nước. Đây cũng là giai đoạn bắt đầu manh nha của lĩnh vực thiết kế thời trang, với số ít nhà thiết kế chuyên nghiệp lúc bấy giờ đã bắt đầu vận dụng các chất liệu và hoa văn mới, lạ mắt như thổ cẩm, thêu hoặc vẽ…, hoặc mở rộng cổ, bớt tay áo, thay tà trước bằng chất liệu mềm mại hơn, quần cũng được thay bằng màu sắc đồng hoặc đối lập với màu của áo… Chính vì thế, sự cải biên giai đoạn này cũng đã góp phần tô điểm thêm nét độc đáo, quyến rũ cho chiếc áo dài dân tộc. Đến năm 1989, Báo Phụ Nữ tổ chức cuộc thi Hoa hậu áo dài đầu tiên, tạo tiền đề cho 6 năm sau, áo dài Việt Nam vượt qua các trang phục truyền thống nổi tiếng khác như kimono, sườn xám… để đoạt danh hiệu “Trang phục truyền thống đẹp nhất” tại Tokyo, Nhật Bản.
Thời trang Sài Gòn: “Chiếc áo mới” đầy phóng khoáng
Không chỉ có sự biến hóa liên tiếp về kiểu dáng và chất liệu của chiếc áo dài trong những năm giữa và cuối thế kỷ 20, ngay từ những thập kỷ 30 – 40 của thế kỷ này đã chứng kiến sự thay đổi đầy phóng khoáng trong trang phục thường ngày của người Việt, nhất là với tầng lớp thanh niên nam nữ tại các đô thị lớn, đặc biệt tại Sài Gòn – thành phố được mệnh danh là Hòn ngọc viễn Đông lúc bấy giờ.
Sở dĩ Sài Gòn dẫn đầu trong phong trào cách tân và gần như luôn bắt kịp các trào lưu văn hóa, thời trang trên thế giới là bởi xuất phát điểm từ tính cách khá đặc thù của nam thanh nữ tú Sài Gòn so với các khu đô thị lớn của cả nước lúc bấy giờ như Huế, Hà Nội. Có một so sánh khá thú vị về tính cách của thiếu nữ ba miền như sau: nếu thiếu nữ Hà Nội đài các, cao sang, thiếu nữ Huế thùy mị thướt tha, thì con gái Sài Gòn luôn trẻ trung, tự tin, năng động và yêu thích cái mới. Chính nét tính cách này, cùng với ảnh hưởng từ trào lưu Tây hóa, mà người Sài Gòn nói chung và thanh niên nam nữ Sài Gòn nắm bắt cũng như thích ứng rất nhanh với sự thay đổi của đời sống văn hóa xã hội, trong đó có thời trang.
Có thể nói, người Sài Gòn trong thế kỷ 20, đặc biệt là từ thập kỷ 50 trở về sau, khi ảnh hưởng Tây phương, cụ thể là từ Pháp và Mỹ đã xâm nhập khá sâu sắc vào đời sống và quan niệm thẩm mỹ của giới trẻ, thì các phong cách thời trang cũng nở rộ theo hướng phóng khoáng và cởi mở hơn. Đi dâu người ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh các cô gái Sài Gòn xúm xính trong đủ loại trang phục, từ kín đáo, năng động với quần ống túm, ống côn, ống loe cho đến váy cổ điển dài quá gối gọi là váy chuông, váy bút chì, váy xếp li, váy suông, gợi cảm hơn cả là trào lưu mini jupe với quan điềm càng ngắn càng đẹp… Thậm chí có khi rất “bụi bặm” và hoang dã trong phong cách hippy với áo ngắn hở lưng, hở bụng, quần jeans bó mông, bạc phếch, rách rưới, có miếng vá ở đầu gối...
Không những thế, đến những năm 90, khi đất nước đã bắt đầu mở cửa, tiếp xúc nhiều hơn với sách vở, phim ảnh nước ngoài, người Sài Gòn lại càng mau chóng bắt nhịp với các trào lưu thời trang trên thế giới. Từ kiểu áo quây, áo hai dây gợi cảm, quần thụng, váy xếp ngắn, hay kiểu áo layer kết hợp sơ mi bên ngoài với áo thun bên trong... theo trào lưu thời trang nổi loạn của những ngôi sao trên thế giới lúc đương thời như Spice Girl, Britney Spears, Backstreetboys, Christina Aguilera…, cho đến thời trang Hàn Quốc ảnh hưởng từ các bộ phim Hàn Quốc đang làm mưa làm gió trên màn ảnh nhỏ trong giai đoạn này.
Không chỉ bắt kịp các trào lưu thời trang hiện tại, người Sài Gòn còn phối trang phục một cách năng động, trang nhã và không kém phần sành điệu, làm nổi bật cá tính người mặc. Một bộ trang phục đẹp là khi phải kết hợp hoàn hảo với kiểu tóc, trang sức, giày dép hay cả phương tiện di chuyển. Thế nên, du khách phương xa khi đến Sài Gòn vào những năm 50 – 60 của thế kỷ 20, đã không khỏi ngạc nhiên và xao xuyến trước hình ảnh thiếu nữ Sài Gòn để tóc lọn xoăn hay bới cao hợp thời, mặc váy ngắn hay áo dài cách tân, mang giày bít ngón, đeo bao tay, kính đen sành điệu lả lướt trên những chiếc Vespa, Velo Solex được xem là thời thượng lúc bấy giờ.
Đồng thời, đây cũng chính là giai đoạn mà những người nổi tiếng có ảnh hưởng nhất định, có khi tạo nên trào lưu bắt chước cách ăn mặc của những ngôi sao, diễn viên, người nổi tiếng trong giới trẻ. Vào những năm 50 – 60 thì là Trần Lệ Xuân, nữ diễn viên Thẩm Thúy Hằng, nghệ sĩ Thúy Nga..., đến gần cuối thế kỷ 20 là đội ngũ các nữ diễn viên trẻ đẹp như Mộng Tuyền, Diễm My, Kiều Khanh, Diễm Hương, Lý Thu Thảo, La Kim Phụng..
Những bước đầu tiên của thời trang chuyên nghiệp
Không thể phủ nhận, trước những năm 90 của thế kỷ 20, tại các đô thị lớn của cả nước đã có những nhà may danh tiếng, có cả những nhà may vừa may vừa tạo mẫu quần áo như nhà may Cát Tường với việc giới thiệu kiểu áo dài cách tân Le Mur..., tuy nhiên, chỉ từ thập kỷ 90 trở về sau, thời trang Việt Nam mới bắt đầu có những bước tiến quan trọng chuẩn bị cho cuộc chinh phục lĩnh vực thời trang chuyên nghiệp.
Đầu tiên là sự xuất hiện của những nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp, dù còn khá hiếm hoi. Các nhà thiết kế giai đoạn này đã mạnh dạn thể hiện cái mới trong lĩnh vực thời trang, từ những kiểu áo quần sáng tạo vượt khỏi quy định chuẩn mực trang phục thông thường, đến việc sử dụng những chất liệu vải lạ khai thác từ kho tàng dân gian như thổ cẩm, thêu, vẽ, đính cườm... Đại diện cho số ít những nhà thiết kế thành danh ngay trong giai đoạn này là nhà thiết kế Minh Hạnh với những mẫu thiết kế sáng tạo, kết hợp sự giao hòa giữa nét đẹp văn hóa Đông Tây, đặc biệt là những mẫu áo dài thổ cẩm của chị đã được mời trình diễn tại nhiều buổi giao lưu văn hóa trên thế giới.
Đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thanh niên Sài Gòn trong việc mặc đẹp, mặc sao cho hiện đại và hợp mốt với giá phải chăng, những con đường thời trang đã bắt đầu mọc lên, đầu tiên là con phố thời trang Nguyễn Trãi. Mặc dù chỉ là một phố nhỏ dài hơn 300m, nhưng con phố thời trang này đã quy tụ hơn 50 shop hàng hiệu, trong đó có không ít các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài. Sau Nguyễn Trãi, hàng loạt các con phố thời trang khác như Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Hai Bà Trưng… cũng đã thu hút sự quan tâm mua sắm của nhiều tín đồ thời trang không chỉ tại TP HCM mà còn ở các khu vực khác mỗi khi họ có dịp lên thăm thú thành phố năng động và lớn nhất nước này.
Một tín hiệu đáng mừng nữa của thời trang Việt giai đoạn này chính là sự ra đời của một số các công ty chuyên về thiết kế, may mặc hàng thời trang như Việt Tiến, May 10… Tuy số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng có thể nói, sự xuất hiện của những công ty thời trang chuyên nghiệp này là bước khởi đầu để thời trang Việt Nam đua nở vào những năm đầu thế kỷ 21.
Tóm lại, cùng với sự biến động liên tục của đời sống kinh tế, chính trị xã hội trong thế kỷ 20, thời trang Việt giai đoạn này cũng nhanh chóng thay đổi, thích nghi và phát triển, để rồi, vượt qua những lũy tre thôn xóm, thời trang Việt dần hòa nhập vào dòng chảy chung của thời trang thế giới. Chính sự thích ứng và phát triển nhanh nhạy của thời trang trong giai đoạn này đã tạo tiền đề cho những cuộc chơi trong và ngoài nước của thời trang Việt hiện nay.
Nguồn: Khampha