Đã qua thời thù lao nghề mẫu ở ngưỡng cao chót vót như lời phát biểu gây “sốc” của siêu mẫu hàng đầu thế giới Linda Evangelista: “
Sẽ không bước lên sàn diễn nếu giá dưới 10.000 đô”. Ngày nay, tình trạng tuột dốc của nền kinh tế đã gây sức ép không nhỏ lên ngành thời trang thế giới, hậu quả số lượng người mẫu thành danh và trụ vững lâu trong nghề ngày càng ít, trong khi chân dài bị thải loại không thương tiếc ngày càng tăng đến con số không đếm xuể…
Sự cạnh tranh khốc liệt này đã mang đến một thực tế đau lòng giữa các “model” trong ngành kinh doanh sắc đẹp: đối thủ đáng gờm và cần cảnh giác nhất không ai xa lạ mà chính từ những đồng nghiệp đang ngày ngày sát cánh bên cạnh mình. Vì thế cũng nảy sinh hàng loạt những cuộc ganh đua giữa những chân dài, đôi khi là những trò đấu đá và “đi cửa sau” đầy đen tối …
Ganh đua khốc liệt vì xa hoa và hào quang phút chốc
Bên cạnh việc được sải bước trên sàn catwalk, đón nhận ánh mắt ngưỡng mộ từ biết bao người hâm mộ, xuất hiện lộng lẫy trên bìa các tạp chí danh tiếng thế giới, sức cuốn hút mãnh liệt của nghề mẫu còn ở chỗ những đặc quyền và cuộc sống xa hoa chỉ có các chân dài đình đám mới được trải nghiệm. Theo siêu mẫu Muriel Robriguez đó chính là: “
Tiền và cuộc sống sang trọng bậc nhất. Bạn được vào các câu lạc bộ danh giá nhất nơi không phải người bình thường nào cũng vào được, được đi trên các chuyến bay hạng nhất, ở trong những khách sạn sang trọng nhất, tiệc tùng với những nhân vật quyền lực và nổi tiếng”. Điều này có thể gây “nghiện” cho các cô gái trẻ…
Phía sau vẻ đẹp lộng lẫy của nhiều mẫu tại các kinh đô thời trang là những màn ganh đua, tranh giành vị trí đôi khi rất không lành mạnh (Hình minh họa)
Nếu nhầm tưởng cuộc sống của giới người mẫu chỉ có thế thì lại là một sai lầm lớn. Phía sau bức tường hoa hồng này là một thế giới khác đầy khắc nghiệt, nơi tồn tại những ganh ghét, đua tranh, những trò gian dối và “đi cửa sau” để mau chóng có được chỗ đứng trong nghề. Deidre Stober, chuyên gia săn lùng người mẫu tại New York, đã nhận xét: “Rất kinh khủng! Không giống như chuyện bạn đánh xe hai tiếng vào trung tâm New York để làm việc rồi về nhà nằm soài trên ghế sofa nhấm nháp Heineken. Người mẫu chuyên nghiệp phải chấp nhận sống trong căn hộ thuê chật hẹp ở trung tâm thành phố để tiện làm việc và gần như phải “cày” 24 tiếng mỗi ngày. Họ cực hơn chúng ta nghĩ nhiều. Họ phải săn đón cơ hội...”.
Chính vì vậy, trong những tháng ngày thâm nhập vào thế giới người mẫu, nhà báo Ian Halperin đã “sốc” trước lời thú tội rất thành thật của Rose, một mẫu trẻ tại Milan: “
Ăn chơi đàn đúm giúp tôi gặp đúng người mình cần. Hầu hết các hợp đồng quan trọng của tôi đều được thực hiện tại các bữa tiệc sa đọa như thế này. Tôi mồi chài và hẹn hò với những lão đáng tuổi cha mình, đổi lại tôi sẽ có cơ hội làm việc và tiến thân v.v…”. Việc dùng nhan sắc và sex để đổi những hợp đồng giá trị và cơ hội trong nghề đã trở thành chuyện thường tình của làng thời trang thế giới. Có chăng là nó nằm trong mặt tối phía sau ánh hào quang của sàn diễn.
“Đi cửa sau” bằng sex cũng tạo nên sự cạnh tranh giữa các chân dài với nhau, khi các nhân vật quan trọng nhất được hàng loạt chân dài săn đón … Thế nên, thay vì đoàn kết cùng nhau chống lại tệ nạn lạm dụng tình dục trong giới thời trang, nhiều chân dài lại chọn cách ganh đua nhau để được lọt vào “mắt xanh” của những nhân vật tiếng tăm, nhằm kiếm chác và nuôi sống bản thân.
Ngành công nghiệp thời trang còn chứng kiến sự chia chác giữa những người mẫu có vóc dáng gầy hơn, đẹp hơn với các nhà quản lý để được xuất hiện nhiều hơn và hào nhoáng hơn trên các tạp chí với những mẫu thiết kế đắt tiền. Trong khi đó, những người mẫu có ngoại hình kém hơn thường chỉ được chụp ảnh với những trang phục bình thường và ít hấp dẫn, nhưng thu nhập của họ không cao, nhất là khi họ ở độ tuổi ngoài 20.
Ngoài ra, ganh ghét hay “chơi xấu” còn là một điểm tối đáng buồn trong sự cạnh tranh không lành mạnh giữa những người đẹp chân dài. Không dừng lại ở việc các mẫu xinh đẹp, quyến rũ nhưng không ngại mỉa mai nhau về khuyết điểm của đối thủ, “hớt tay trên” các hợp đồng hay những cơ hội được xuất hiện trên sàn diễn thời trang từ bình bình cho đến danh giá, kết thân bằng “giường chiếu” với nhiếp ảnh gia nhằm được lên trang bìa tạp chí thời trang v.v… mà còn diễn ra ngay trên sàn catwalk, trước mắt người hâm mộ và giới truyền thông. Không ít vụ người mẫu bất chấp thanh danh mà lao vào “nện” nhau ngay trên sàn diễn, giữa đông đảo quan khách và báo chí. Đơn cử như những vụ scandal đánh nhau giữa những chân dài xinh đẹp trong buổi triển lãm ô tô tại Trung Quốc, hay ngay trong những show diễn thời trang quốc tế v.v… “Nhẹ nhàng” và kín đáo hơn, những trò “bẩn” thường được các chân dài yêu thích để “hạ gục” đối phương ngay trên sàn catwalk là “vô tình” giẫm gót giày cao chất ngất lên chân bạn diễn, dẫm váy để bạn diễn “lộ hàng” và té ngã .v.v…
Ban tổ chức show diễn Jean Paul Gaultier's Paris năm 2010 đã phải “đau đầu” vì màn “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” của hai mẫu xinh đẹp ngay trên sàn catwalk
Những hình ảnh “xấu” như thế này tiếc thay lại không hề hiếm trong làng mẫu quốc tế
Việc “chí chóe” nhau không chỉ có ở những nàng mẫu còn trẻ người non dạ, ngay cả những siêu mẫu đình đám thế giới như Tyra Banks và Janice Dickinson cũng có khoảng thời gian dài “gấu ó” lẫn nhau. Trong đó, Janice Dickinson đã châm ngòi cho không ít dịp cải vã ấm ĩ trên mặt báo, có khi còn không ngại khẳng định Tyra Banks là một “mụ béo” bị “vô cảm”. Chưa biết cuộc chiến này sẽ ngã ngũ thế nào, nhưng hình ảnh của hai siêu mẫu vì thế mà đã không còn đẹp trọn vẹn trong lòng người hâm mộ.
Cuộc chiến giữa hai siêu mẫu Janice Dickinson và Tyra Banks đã tốn biết bao giấy mực của giới truyền thông trong thời gian qua
Cuộc chiến giành vị trí “vedette” tại làng mẫu Việt
Không thoát khỏi “thói hư tật xấu” của làng mẫu thế giới, làng mẫu Việt còn đình đám hơn với những màn tranh giành vị trí vedette trong nhiều sự kiện thời trang quan trọng. Nếu vị trí vedette ở các kinh đô thời trang vốn dành cho những chân dài có hình thể, gương mặt và phong cách biểu diễn chuyên nghiệp, cùng với kinh nghiệm trình diễn thời trang và đã từng gặt hái nhiều thành công nhất định, thì tại sàn catwalk Việt vẫn còn tồn tại nghịch lý đáng buồn khi vị trí vedette nhiều khi là những mẫu có mối quan hệ thân quen với nhà thiết kế hay ban tổ chức, nhà tài trợ chương trình, hoặc từng đạt danh hiệu hoa hậu, á hậu, cũng có khi là những chân dài có chút tiếng tăm trong làng giải trí … Thế nên câu chuyện giành giật vị trí vedette cũng lùm xùm hơn so với những sàn catwalk chuyên nghiệp trên thế giới.
Ngoài việc được vinh dự xuất hiện đầu tiên để mở màn và xuất hiện cuối cùng với nhà thiết kế của bộ sưu tập để kết thúc show diễn, vedette còn được trả cat-xe cao nhất so với các bạn diễn trong cùng chương trình
Chắc hẳn những người có mặt tại hậu trường chương trình Thời trang và Đam mê trong một show trình diễn bộ sưu tập của nhà thiết kế Lê Thanh Hòa vào giữa năm 2012 vẫn chưa quên được màn cãi vã giữa trợ lý chương trình và mẹ á hậu Trương Thị May ngay sau sàn catwalk để phân định thắng thua, xem hoa hậu Thùy Dung hay á hậu Trương Thị May sẽ là vedette của lần diễn này. Hậu quả là người xem được dịp trải qua nhiều “cung bậc cảm xúc” khác nhau, từ bực mình vì phải nán lại để chương trình quay đi quay lại tới 4 lần, đến mắt chữ O mồm chữ A khi nhà thiết kế bối rối dắt luôn cả hai nàng ra sân khấu, chưa kể có chút ngỡ ngàng vì nụ cười gượng của hai người đẹp.
Đây chưa hẳn là câu chuyện “cười ra nước mắt” do tranh giành vị trí vedette độc nhất mà báo chí có dịp khai thác trong thời gian qua. Bởi ngoài cãi vã và ra yêu sách cho ban tổ chức hay nhà thiết kế sau cánh gà sân khấu, việc người mẫu thản nhiên chặt chém nhau trên sàn diễn không còn là chuyện hiếm. Một số người mẫu “ngấp nghé” danh xưng vedette vì muốn nổi bật hơn bạn diễn đã cố tình đi nhầm tuyến, lấn át bạn diễn, đi ngang hàng với vị trí vedette ngay trên đường băng để chứng tỏ sự nổi bật, phô trương thanh thế.
Tham tranh giành vị trí vedette đã đẩy người mẫu vào những hình ảnh không đẹp mắt trước hàng trăm khán giả, quan khách, từ không tôn trọng sáng tạo nghệ thuật của nhà thiết kế cho đến thiếu ý thức trước cả tập thể và đạo diễn chương trình. Cũng có trường hợp khá “buồn cười” là mặc dù đã tập dượt theo kịch bản chương trình trước đó, vị trí vedette cũng đã được quyết định, nhưng có người mẫu bỗng nhiên “quên” hẳn vị trí của mình. Trong đêm chung kết Siêu mẫu Việt Nam 2012 khán giả đã từng ngơ ngác khi chứng kiến màn “cắt mặt” của Hoàng Yến trước Ngọc Oanh, hay ở Elle Show xuân - hè, Trang lạ đột nhiên “lấn sân” trên đường băng đã định trước cho Trang Trần. Mặc dù sự việc được cả hai người trong cuộc giải thích do người mẫu run quá mà … quên tuyến, nhưng trong lòng người hâm mộ và nhà thiết kế, vẫn còn một chút gì đó rất “lăn tăn”, liệu tính chuyên nghiệp và tinh thần cạnh tranh trong sáng trên sàn catwalk có còn không?
Phạm Băng Băng phải vất vả giảm cân từ 57 kg xuống còn 52 kg để xứng đáng với danh xưng vedette trong show Stephane Rolland tại Paris
Mặc dù con đường sự nghiệp của người mẫu thường ngắn ngủi, kém bền và phải đối đầu với hàng loạt ganh đua lẫn cạm bẫy không ngờ, nhưng cũng thật đáng buồn khi làng thời trang Việt và làng thời trang thế giới lại tồn tại những người mẫu sẵn sàng dựng chuyện hại nhau, sẵn sàng gí đôi guốc cao gót chà đạp nhau để tồn tại chứ không phải cùng sát cánh bên nhau… Những hành động cạnh tranh không lành mạnh này vô tình đã làm xấu đi hình ảnh vốn rất lung linh xinh đẹp của những chân dài trong mắt giới truyền thông và nhất là với người hâm mộ vốn luôn quan tâm và ủng hộ các nàng…
Một trong những góc khuất đáng tiếc nhất của làng thời trang thế giới chính là tệ phân biệt chủng tộc, nơi người mẫu gốc Phi hay Á đã phải rất vất vả để vượt qua ngưỡng cửa vốn rất hẹp, lại càng thêm hẹp trên con đường trở thành người mẫu chuyên nghiệp. Nội dung này sẽ được trình bày trong
Phần 5: Kì thị tàn nhẫn trong làng mẫu