Những dấu chân kỳ lạ trên mặt đá
Trong 99 đỉnh núi của dãy Ngàn Hống (tức núi Hồng Lĩnh) thì đỉnh Am Tiên (thuộc địa phận xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) xưa nay vẫn được người đời tôn xưng là “đệ nhất kỳ quan”. Không chỉ đẹp bởi hình sông thế núi kỳ vỹ, mỹ lệ, Am Tiên còn được xem là nơi dừng chân của các nàng tiên nữ chốn Tiên giới trong những lần du ngoạn trần thế. Bởi thế, bao quanh đỉnh núi này là hàng trăm câu chuyện mang màu sắc huyền bí mà cho đến bây giờ vẫn chưa thực sự tìm ra lời giải đáp đích xác.
Trên lưng chừng của đỉnh Am Tiên hùng vĩ có chùa Chân Tiên là ngôi chùa cổ, được xây dựng vào đời nhà Trần (thế kỷ XIII). Sở dĩ chùa mang tên Chân Tiên bởi khởi thủy, ngay chỗ chùa được xây dựng, trên một tảng đá rộng lớn, bằng phẳng tự nhiên xuất hiện những “dấu chân” hết sức kỳ lạ.
Chùa Chân Tiên tọa lạc lưng chừng của đỉnh Am Tiên, được xây dựng vào đời nhà Trần (Thế kỷ XIII)
|
Vượt qua hàng trăm bậc đá xanh tròn trĩnh, dưới những hàng thông tự nhiên cao vút, ông Trần Quốc Tín (74 tuổi) – người đã có tới 16 năm trụ trì ở chùa Chân Tiên dẫn chúng tôi đến bên tảng đá có “dấu chân” và vó ngựa của tiên nữ chốn tiên giới để lại trong một lần dừng chân ngoạn cảnh nơi đây.
Theo quan sát, nằm cách nền chùa Chân Tiên hiện nay khoảng 80m về phía đông, trên mặt một tảng đá hoa cương bằng phẳng ngay giữa dòng suối Ngọc, có hai vết in lõm vào mặt đá. Một vết rất giống bàn chân phải của một người phụ nữ bởi gót chân thon tròn, nhỏ nhắn, có chiều dài gần 40cm, rộng 18cm. Theo ông Trần Quốc Tín thì đây chính là vết chân của “Tiên nữ nhà Trời”. Cũng nằm trên tảng đá đó, cách vết chân Tiên khoảng 20cm, có một vết lõm rất giống với dấu chân ngựa (vó ngựa), có kẽ móng rõ ràng. Vó ngựa này có chiều dài gần 25cm, rộng 16cm.
Ông Tín cho biết: “Truyền thuyết có kể lại rằng, ngày xưa có một đoàn tiên nữ nhà trời, sau khi xin phép mẫu Cửu Trùng xuống thăm thú chốn hạ giới đã chọn đỉnh Am Tiên làm nơi dừng chân. Bởi Am Tiên lưng dựa vào núi, mặt hướng ra biển, ngày đêm thông reo, cảnh vật hiền hòa lại còn có dòng suối Ngọc nước trong vắt bốn mùa, cảnh sắc không đâu đẹp hơn. Một số tiên nữ, sau khi vãn cảnh núi sông, hang động... đã rủ nhau xuống bàu tiên ngay trước mặt đỉnh Am Tiên tắm, rồi lại rủ nhau lên một tảng đá cạnh hồ ngồi đánh cờ. Còn một số tiên nữ vì mê mải với cảnh hoa thơm cỏ lạ, suối thác hiền hòa nên chẳng chịu rời. Rồi có một nàng tiên, trong một lần đuổi theo con bướm vàng 6 cánh đã vô tình dẫm phải lông của một con nhím. Chân bị đau, nàng không thể đi được nên đã phải dùng ngựa để về Trời. Trước khi về, các nàng tiên khác đã dùng nước suối Ngọc để rửa chân cho nàng và chẳng may gót ngọc in dấu trên mặt đá cùng dấu chân ngựa thần. Từ đó, người dân đã xây chùa và đặt tên cho chùa là chùa Chân Tiên để ghi nhớ dấu tích này...”.
Ông Trần Quốc Tín - người có 16 năm trụ trì tại chùa Chân Tiên bên "Ngài" Thạch Kim Quy.
|
Rõ ràng câu chuyện trên chỉ là truyền thuyết nhưng sự bí ẩn và hấp dẫn của những gì liên quan đến câu chuyện như: suối Ngọc, giếng Tiên, bàu Tiên, đá bàn cờ, dấu chân tiên và vó ngựa... thì hiện vẫn còn khá vẹn nguyên. Suối Ngọc do thời gian lâu ngày nước không còn được nhiều như ngày xưa nhưng giếng Tiên thì vẫn bốn mùa đầy nước, trong vắt như ngày xưa. Nhiều người dân không quản núi cao, vượt qua hàng trăm bậc đá gánh nước từ giếng Tiên về dùng và xem như đó là một thứ nước khoáng thiên nhiên có thể giúp họ loại bỏ được những độc tố trong cơ thể.
Báu vật thiên nhiên bị bỏ quên
Ngoài hai vết chân kỳ lạ trên, cách đó khoảng 15m về phía nam còn có một dấu chân to lớn hơn, với đầy đủ hình hài 5 ngón chân và một gót chân lõm sâu cũng trên một tảng đá bằng phẳng. Vết chân này được người dân ở đây cho hay là vết chân của ông Bành Tổ - người đã có công gánh đá ngăn sông để người dân có thêm đất cấy trồng. Cách đỉnh Am Tiên khoảng 3km, về phía Tây Nam, trên một tảng đá ở đỉnh Bồng Sơn người ta cũng phát hiện ra một “dấu chân” có hình hài giống y hệt dấu chân này. Từ đó, người ta cho rằng hai dấu chân này là hai bàn chân của ông Bành Tổ được nhắc đến trong dân gian một huyền thoại: ông Bành Tổ sau khi mệt mài gánh đá ngăn sông, một lần mỏi mệt quá nên ngồi nghỉ ở đỉnh Am Tiên. Sau khi đã hồi sức ông đứng dậy định tiếp tục công việc nhưng vừa bước chân ra thì biến thành người khổng lồ do đó mà chân phải lưu dấu ở đỉnh Am Tiên còn chân trái in dấu tận đỉnh Bồng Sơn, cách đó tới 3km.
Trên mặt một tảng đá hoa cương bằng phẳng ngay giữa dòng suối Ngọc, có hai vết in lõm vào mặt đá, được xem là của Tiên nữ và ngựa của nàng.
|
Cạnh dấu chân ông Bành Tổ còn có một chú rùa đá dài gần 1,5m, chiều ngang mai rùa rộng gần 90cm, với đầy đủ đầu, mắt và mai. Theo ông Trần Quốc Tín thì đó chính là “Ngài” Thạch Kim Quy có từ thời nhà Lý. Ông Tín cho biết: “Trong một số bản văn tự bằng chữ Hán của làng trước đây có nhắc đến Ngài Thạch Kim Quy nhưng do hồi đó tôi còn nhỏ, không để ý đến. Sau này khi khôn lớn, tìm lại các văn tự thì đã bị mất hết. Tuy vậy tôi đã để tâm đi tìm con rùa đá nhiều lần mà vẫn chẳng có duyên tìm thấy. Mãi đến tận giờ Ngọ của một ngày hè năm 2004, trong một lần ngồi Thiền tọa gần giếng Tiên thì tôi phát hiện ra “Ngài” đang nép mình cạnh một gốc thông già. Tôi hết sức vui mừng và cho lập bát hương thờ tạm “Ngài” ở đây...”.
Điều kỳ lạ là dù xuất hiện từ rất lâu đời, nhưng qua thời gian những vết tích này dường như không hề bị biến đổi và vết tích nào cũng giống như thật mà không hề có chút tác động nào từ bàn tay con người. Tuy nhiên, mặc dù đã được xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia năm 1995 nhưng cho đến nay những vết tích nằm trong quần thể chùa Chân Tiên, được xem là “hiện tượng” độc đáo, duy nhất có này chỉ được trông nom một cách tự phát bởi những người dân sở tại mà chưa có những phương thức bảo quản đúng tầm với một Di tích cấp Quốc gia.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Duyên – trưởng ban văn hóa xã Thịnh Lộc cho biết: “Những vết tích có trên đỉnh Am Tiên quanh chùa Chân Tiên đều đã có từ rất lâu đời và mọi người ai cũng có thể nhìn thấy rõ. Những vết tích đó có phải là dấu chân tiên hay chỉ là lời truyền thuyết huyễn hoặc cho đến nay chúng tôi vẫn chưa dám khẳng định vì chúng tôi chưa đủ khả năng để nghiên cứu, tìm hiểu mà cần phải có sự phối kết hợp của nhiều ban ngành. Chính quyền địa phương đã lập nên một ban quản lý di tích và phối hợp thường xuyên với người dân để trông nom và giữ gìn quần thể chùa Chân Tiên trong khả năng và giới hạn của mình...”.
Vết chân được xem là của ông Bành Tổ với đầy đủ hình hài 5 ngón chân và một gót chân lõm sâu trên một tảng đá bằng phẳng.
|
Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh, ông Võ Hồng Hải cũng cho biết: “Sở văn hóa, bảo tàng tỉnh đã có những nghiên cứu và tìm hiểu về vấn đề này từ lâu và vẫn cho rằng đó chỉ là những hiện tượng tự nhiên độc đáo, kỳ lạ được truyền thuyết dân gian gắn lên những màu sắc huyền bí. Sở cũng đã chỉ đạo cho chính quyền sở tại có những phương thức bảo vệ hợp lý để gìn giữ những nét độc đáo này. Trước đây, đã có một dự án quy hoạch phát triển du lịch ở vùng này nhưng do có nhiều lý do nên dự án này chưa được thực thi. Trên cơ sở dự án cũ, năm nay Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh nhà sẽ quyết tâm hoàn thành dự án này và đưa tất cả các hạng mục cần được bảo vệ, phát triển vào trong một chỉnh thể theo đúng tầm của chún