Đội bóng của Diego Simeone rất giỏi trong việc
chuyển hóa các quả đá phạt hay phạt góc thành bàn, biến chúng thành thứ vũ khí
gây khiếp sợ cho mọi đối thủ.
Sức mạnh của Atletico Madrid mùa này ít nhiều đã giảm đi, sau
khi họ để mất một số trụ cột như Diego Costa, Filipe Luis, David Villa hay
Thibaut Courtois trong hè vừa qua. Tuy nhiên, nhà đương kim vô địch Tây Ban Nha
vẫn đang sở hữu một tập thể đoàn kết, giàu tinh thần chiến đấu và đặc biệt, cực
kỳ hiệu quả, trong việc tận dụng các tình huống cố định - thứ vũ khí quen thuộc
mùa trước.
Trong 46 bàn thắng Atletico Madrid ghi được từ đầu mùa giải này,
có đến 20 bàn đến từ các quả đá phạt và phạt góc. Nếu tính riêng ở La Liga, tỷ
lệ này là 17/27 bàn, chiếm tới gần 63%. Đấy là còn chưa tính hai quả phạt đền và
một bàn thắng đến từ pha uy hiếp trở lại, sau khi đối phương phá bóng lên từ một
quả phạt.
|
Raul Garcia tâng bóng vào góc xa khung thành Iker Casillas trong
trận tranh Siêu Cúp Tây Ban Nha năm nay. Ảnh:
AP.
|
Những bàn thắng này được ghi theo nhiều cách khác nhau. Một cú
tâng bóng đầy cảm giác nhắm vào góc xa cầu môn đối phương như cách mà Raul
Garcia làm trong trận tranh Siêu Cúp Tây Ban Nha với Real Madrid, hay những cú
đánh đầu như búa bổ ở cự ly gần. Simeone chắc hẳn đã cho các học trò của mình
luyện tập rất kỹ những bài phối hợp đá phạt. Các cầu thủ Atletico cũng rất nhạy
cảm với những tình huống đá bồi, nếu thủ môn đối phương không thể bắt dính
bóng.
“Tôi không phiền khi chiến thắng nhờ những pha bóng cố định”,
Diego Simeone từng phát biểu như vậy hồi tháng chín. “Đó là một phần của trò
chơi. Mọi người đều nói về chiến thuật, nhưng để hưởng lợi từ các tình huống
bóng chết, bạn phải tấn công. Để giành được một quả phạt góc, bạn phải tấn công.
Những cơ hội đó đều đến từ công sức của cả đội”, HLV người Argentina nói.
Nhưng tại sao Atletico Madrid lại nổi trội hơn hẳn các đội bóng
khác ở những pha bóng cố định?
Abel Resino, cựu thủ môn và HLV của Atletico Madrid phân tích
trên Goal.com: “Tôi tin rằng điều bí mật nằm ở sự tập luyện chăm chỉ và
việc họ có những cầu thủ đủ chất lượng để kết thúc các tình huống đó. Atletico
có những cầu thủ rất mạnh ở khía cạnh này như Mandzukic, Godin, Tiago, Miranda,
Raul Garcia… Họ có quá nhiều người có thể ghi bàn từ những tình huống như thế.
Điều đó giúp họ có khả năng, và họ cũng có những cầu thủ như Koke - những người
có thể chuyền bóng tốt vào vòng cấm”.
Thông thường, Diego Simeone sẽ thay đổi đội hình ra sân ở mỗi
trận đấu cụ thể và họ sẽ tập sâu những bài đá phạt ở buổi tập trước trận đấu.
Các cầu thủ sẽ được phổ biến về cách kèm người của hậu vệ và cách thủ môn đối
phương di chuyển qua đó tập luyện cách khắc chế.
|
Atletico Madrid phân tích rất kỹ cách làm hàng rào của hàng thủ,
cách di chuyển của thủ môn đối phương để tối ưu hóa các pha cố định. Trong ảnh
là tình huống Godin (trái) đánh đầu ghi bàn từ một pha phạt góc, vô hiệu quả
thói quen lao ra của thủ môn Barca Jose Pinto. Ảnh:
AFP.
|
“Chiến thuật của họ rất đa dạng, tùy thuộc vào đối thủ là ai.
Nếu hậu vệ đối phương chơi theo kiểu kèm người chặt, họ sẽ áp dụng một kiểu
chiến thuật, nếu đối thủ chơi phòng ngự khu vực, sẽ có một bài tấn công khác.
Các nhân viên trong ban huấn luyện làm việc cả tuần để tìm ra những phương án
khác nhau cho trận đấu sắp tới”, Abel nói.
Cựu HLV này tiếp tục đưa ra ý kiến: “Atletico đã ghi bàn từ
những quả phạt theo nhiều cách khác nhau. Điều đó cho thấy họ đã tìm hiểu kỹ về
đối thủ như thế nào. Nếu bạn không am tường địch thủ, không có cách nào để bạn
ghi nhiều bàn thắng từ những tình huống cố định như vậy”.
Vị trí của thủ môn cũng là một yếu tố quan trọng. Trong những
lần đối đầu với kình địch Real Madrid, Atletico thường xuyên đánh vào khu vực
sát cột dọc góc gần khung thành đối thủ ở những quả phạt góc. Đó là khu vực hiếm
khi Iker Casillas có mặt. Chiến thuật này đã mang lại cho họ hai bàn thắng của
Raul Garcia (Siêu Cúp Tây Ban Nha) và Tiago (La Liga). Trong khi đó, bàn thắng
quan trọng của Diego Godin vào lưới Barca cuối mùa giải trước lại là để khắc chế
thói quen lao ra cản bóng của thủ môn Jose Pinto. Một đường cong từ cái chân
phải của Koke đã đưa bóng ra ngoài tầm với của Pinto.
Abel Resino, người đứng trong khung gỗ của Atletico từ năm 1986
đến 1995, tin rằng các thủ môn đối phương luôn phải vất vả chống đỡ những pha đá
phạt của thầy trò Simeone. “Rất khó để chống đỡ những tình huống này khi các cầu
thủ làm tốt những gì họ đã tập, rất khó để thủ môn duy trì sự tập trung cao độ.
Điều quan trọng là họ phải dũng cảm, đặc biệt trong những pha phạt góc”, ông
nói.
|
Sự kỹ lưỡng, chăm chỉ trên sân tập, tỷ mỉ khi nghiên cứu đối thủ
là một bí quyết giúp Atletico Madrid duy trì sự sắc bén của vũ khí bóng chết.
Ảnh: Reuters.
|
Ngoài ra, cách Atletico giành lại bóng sau những tình huống phá
bóng của đối phương cũng là chìa khóa để họ tối ưu hóa hiệu quả của lối chơi
bóng chết. Các cầu thủ Atletico thường có xu hướng áp sát nhanh để lấy lại quyền
kiểm soát bóng sau các quả phạt góc và nhanh chóng đưa bóng đến khu vực có thể
sút hoặc tạt cánh.
Với Atletico, cả ở bình diện La Liga hay châu Âu, bóng chết là
một vũ khí quan trọng giúp họ địch lại những đối thủ giàu có với nhiều ngôi sao
trong đội hình. Atletico dùng chiến thuật để bù đắp lại sự thiếu thốn của họ,
giúp họ đánh bại những đội bóng nhiều ngôi sao, muốn chơi tấn công nhưng lại xem
nhẹ những tình huống cố định.