Bánh tráng đập ở Quảng Nam không biết xuất hiện từ lúc nào, chỉ biết rằng với người dân nơi đây, đó là món ăn truyền thống, quen thuộc.
Bánh tráng đập gồm 2 lớp. Lớp bánh tráng nướng vàng khá mỏng, đường kính 20cm. Khi ăn, người bán trải lên trên một lớp bánh tráng mỏng, mềm và dẻo, có kích thước tương đương rồi dùng cạnh bàn tay đập xấp bánh làm đôi. Phần bánh tráng nướng vì dòn nên bị vỡ, bánh tráng mỏng kèm theo, có độ dẻo, mềm và dính nên giữ được lớp bánh tráng nướng không bị rơi ra ngoài. Bánh tráng đập Hội An được đúc bằng gạo xiệc ở Điện Bàn nên vừa trắng, vừa dẻo. Người ăn như được nếm trọn vẹn hương đồng cỏ nội hoà quyện vào hạt gạo quê của vùng hạ lưu sông Thu Bồn. Có nơi, người ta còn thoa lên bề mặt bánh một ít dầu phụng (dầu lạc) đã phi hành, tỏi rất thơm. Bánh tráng đập phải chấm với mắm nêm hoặc mắm cái chiên với dầu phụng mới ngon. Khi khử mùi dầu, nhớ bỏ vào xoong vài tép tỏi giã dập cho thơm rồi nêm chanh, mì chính, ớt bột... vào chén mắm.
Người ăn từ từ bẻ miếng bánh, chấm mắm đưa vào miệng và tận hưởng vị giòn, dẻo, thơm. Bà Trần Thị Nhả, 75 tuổi, ở thôn 5 xã Cẩm Phô, thị xã Hội An, có thâm niên 55 năm bán bánh tráng đập cho biết, buổi sáng bà xay bột và tráng bánh, sau đó nướng và chế biến nước chấm, đến chiều gánh bánh đi bán dạo quanh phố cổ. Giá mỗi cái bánh tráng đập (2 lớp) là 1.000 đồng (kèm nước chấm). Bánh tráng đập chỉ có ở những quán xập xệ ven đường hoặc được các bà, các mẹ quảy đôi thúng nhỏ đi bán dạo trên mọi nẻo đường phố cổ. Khách ăn cũng không cần ngồi ghế, bàn sang trọng, chỉ cần một chỗ mát mẻ, sạch sẽ bên vệ đường, một tay nắm bánh, tay kia bưng chén mắm, chấm và đưa lên miệng ăn ngon lành. Ăn xong một vài cái bánh, khi miệng còn cay cay, uống bát nước chè xanh bốc khói thì không gì thú vị hơn.