Nếu bỏ quy định miễn visa: Ảnh hưởng đến chiến lược ngành Hàng không
Bộ Giao
thông vận tải vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ duy trì chính sách
miễn thị thực nhập cảnh cho công dân 7 nước.
Theo Bộ
Giao thông vận tải, trong nhiều năm qua, thị trường hàng không giữa Việt Nam
(VN) và các quốc gia khu vực Đông Bắc Á, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc luôn
là những thị trường quan trọng của ngàng Hàng không VN với sản lượng vận chuyển
và doanh thu luôn nằm trong 5 thị trường lớn nhất. Đường bay giữa VN và Nhật
Bản, Hàn Quốc chiếm khoảng 10% về vận chuyển hành khách và 26% về doanh thu của
Hãng Hàng không quốc gia VN (Vietnam Airlines). Trong giai đoạn 2004-2012, tổng
sản lượng vận chuyển hàng không tại hai thị trường này đều tăng gấp 2,4 lần.
Trong khi
đó, với thị trường Nga, 3 năm gần đây kể từ khi VN đơn phương miễn thị thực
(2009), lượng khách của Vietnam Airline luôn đạt mức tăng trưởng ấn tượng, từ 40
- 60%/năm. Cùng với đó, hoạt động khai thác thuê chuyến không thường lệ của các
hãng hàng không Nga đưa khách tới Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết (qua TP.HCM)
cũng tăng đột biến trong những năm qua. Hai năm trở lại đây, cảng hàng không Cam
Ranh đã tiếp nhận nhiều chuyến bay quốc tế do các hãng hàng không Nga khai thác
đến, mang lại nguồn thu đáng kể cho Tổng Công ty Cảng Hàng không VN. Với nhu cầu
tăng nhanh về du khách Nga, từ tháng 4/2013, Vietnam Airlines đã khai thác đường
bay quốc tế Nha Trang - Mát-xcơ-va.
Cũng theo
Bộ Giao thông vận tải, đối với 4 nước Bắc Âu (Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy và Phần
Lan), mặc dù chưa có đường bay giữa VN đến các quốc gia này, song, đây là thị
trường bổ trợ tiềm năng cho mạng đường bay châu Âu của Vietnam Airlines cũng như
các hãng hàng không nước ngoài nối chuyến, vận chuyển khách từ khu vực này tới
VN.
Được
biết, trong thời gian tới, Vietnam Airlines có kế hoạch hoàn thiện và mở rộng
mạng đường bay đi/đến 7 nước trên. Cụ thể, hoàn thiện và tăng tần suất trên các
đường bay hiện tại, mở đường bay từ Đà Nẵng tới Nhật Bản, Hàn Quốc. Với Nga,
hoàn thiện và tăng tần suất trên các đường bay từ Hà Nội, TP.HCM và Nha Trang
tới Mát-xcơ-va. Với các nước Bắc Âu, Vietnam Airlines đã có kế hoạch hợp tác
liên danh với các hãng hàng không châu Âu như Air France-KLM, Alitalia, Czech
Airline tới các điểm tại các quốc gia Bắc Âu cũng như nghiên cứu khai thác thử
nghiệm thị trường, trên cơ sở các chuyến bay thuê chuyến không thường lệ theo
mùa để chuẩn bị khai thác thường lệ sau này.Bộ Giao thông vận tải cho rằng, việc
tiếp tục miễn thị thực sẽ có tác động sống còn đến hoạt động khai thác vận tải
hàng không giữa VN đi/đến 7 nước và cả thị trường hàng không nội địa của VN, đặc
biệt trong giai đoạn khó khăn về thị trường như hiện nay. Mặt khác, thị trường
hàng không ASEAN theo lộ trình sẽ thống nhất vào năm 2015 và việc các nước láng
giềng như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia… đều đang áp dụng chính sách
cởi mở về thị thực nhằm thu hút khách du lịch thì việc dừng miễn thị thực sẽ làm
cho VN mất sức cạnh tranh về điểm đến.
“Với vai
trò là những thị trường hàng không trọng điểm đối với VN, những biến động tiêu
cực tại 7 thị trường này (có thể gây ra từ việc dừng miễn thị thực đơn phương)
sẽ tác động lớn đến chiến lược phát triển dài hạn của các hãng hàng không VN,
đặc biệt là chiến lược phát triển đội tàu bay mới và hiện đại như B787, A350 của
Vietnam Airlines …”- Bộ Giao thông vận tải khuyến nghị.
“Các quốc gia ký kết cần miễn hoặc loại bỏ, đối với số lượng tối đa các
quốc gia, việc yêu cầu thị thực nhập cảnh đối với đối tượng khách nước
ngoài không phải với mục đích nhập cư, như là khách du lịch, nghỉ dưỡng,
thể thao, chữa bệnh, thăm thân, làm ăn…”.
(Trích Phụ ước 9. Tạo điều kiện thuận lợi, ban hành tháng 7/2011 của
Công ước về hàng không dân dụng quốc tế năm 1944 (Công ước Chicago),
Điều 3.19 Khuyến cáo thực hành)
|
Title : Nếu bỏ quy định miễn visa: Ảnh hưởng đến chiến lược ngành Hàng không
Description : Nếu bỏ quy định miễn visa: Ảnh hưởng đến chiến lược ngành Hàng không Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ...