(Toquoc)-Một chút thời gian, một ít tiết, một ít xương còn lại của cả buổi nghiền ngẫm tái chanh, xào xả ớt… thêm chút đỗ xanh, hạt sen, kỳ tử là được bát cháo dê nghi ngút.
Ngồi trên chõng tre ngắm chiều tà bảng lảng sương núi, khói bốc từ nồi cháo quện cái cay cay của ít tiêu bắc, hăng hăng của hành khô, nồng nồng của ớt bột. Tặc lưỡi… nghĩ đã thấy thèm.
Chị là người miền xuôi, anh người miền núi, mỗi lần chị lên thăm anh là một lần anh trổ tài nấu bếp. Nhà đông anh em, mỗi lần chị lên nhà anh lại họp gia đình, sự kiện lớn quanh mâm cỗ bàn thịnh soạn. Từ ngày tăng gia gà rừng, lợn chạy rông, dê núi, cả nhà tụ họp không còn lo món gì, thôi thì đủ cả từ loại bay tới loại chạy, loại leo trèo… trước sân nhà có cái ao con con mà năm tát 2 bận, mỗi bận hàng chục cân trôi, trắm, chép… Thôi thì, mâm cơm cho hơn ba chục con người không còn là nỗi lo mỗi khi anh gặp chị.
Thời kinh tế khủng hoảng, giá cả tăng vòn vọt tới mức không tăng được nữa mà phải chững lại, đối với anh vẫn không là vấn đề. Sức mua hàng hóa có giảm một nửa hay giảm cả thì hàng ngày anh vẫn dư đồ ăn. Từ căn nhà nho nhỏ trên triền đồi thoải xuống, anh trồng nào cải, cà, mướp, thêm vài khóm hành mùi, tía tô… Cứ gọi là rau và hoa quanh năm, mùa nào thức ý chả thiếu. Gọi đùa là siêu thị rau thịt xanh-sạch-ngon-bổ-rẻ cũng không ngoa.
Sáng nay có việc chị lại ngược lên cao, ở nhà nghe tin anh đã nhanh nhẹn nhốt chặt con dê non nhất trong lứa định bán, thông báo cho mọi người rồi hò mấy cô em chuẩn bị dụng cụ bếp núc nấu nướng. Củi khô được chất đống, nước được đun sôi, chậu to chậu nhỏ được trưng dụng hết để phục vụ cho món dê núi. Rau củ quả được các cháu hái từ vườn về, đầy ắp 6 rổ thơm mùi húng chó, cải xanh hoa chuối, ngọn xu xu… Tiếng đập gừng, tỏi vang lên chan chát, át cả vị cay của xả ớt…
Theo sách xưa, các món ăn được chế từ dê là những vị thuốc bổ rất tốt cho cơ thể, bồi dương, ấm trung tiêu, an thần, trị đau lưng, đau xương cốt… mỗi một bộ phận của con dê đều có thể chế biến thành những món ăn có tác dụng nhất định đối với từng phần trong cơ thể con người.
Nếu Hà Nội có 36 phố phường thì từ một con dê có thể chế đủ 36 món. Từ tiết dê cho đến xương hầm và cuối cùng là cháo dê. Từng món dưới sự chỉ huy của bếp trưởng bắt đầu dậy mùi trong bếp cũng là lúc chuyến xe chở chị đến đầu nông trường. Anh lại vội vội vàng vàng ra đón chị.
Thế rồi, cả một ngày vất vả cũng được bù đắp bằng những món ăn bốc khói nghi ngút. 5g30' chiều tất cả đã lên mâm, mọi người cũng đã về đông đủ, trẻ con chí chóe tranh nhau mấy miếng chả dê thơm phức. Người lớn tranh thủ tiếp nhau nào tiết canh dê, dê tái chanh, dê hấp cách thủy, dê nướng, chả dê, dê nấu nhựa mận…
Bữa ăn gần tàn cũng là lúc món cuối cùng được bưng ra, từng tô cháo thơm phức. Ngày vui náo nhiệt cũng kết thúc cùng món cháo. Bát đĩa lộn xộn nhưng chả còn gì. Lúc này các bếp phó mới trổ tài, loáng cái sân vườn đã thoáng đãng trở lại, nhường chỗ cho tiệc trà.
Một ngày rồi cũng thoảng qua như những lần chị tới. Đầy đủ hương vị nhưng vẫn dấm dứt, khó chịu pha chút vội vàng. Chị đi rồi mà dư âm của chị vẫn ở lại bên đống tro lửa âm ỉ sắp tàn để chào đón một đêm bình an.