|
(Nguồn ảnh: Báo Dân trí) |
Đây là sự kiện thường niên do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố tổ chức từ năm 2004 đến nay nhằm giới thiệu các loại trái cây phong phú, đa dạng của vùng sông nước Nam Bộ cũng như các vùng miền trên cả nước; đồng thời tôn vinh môn nghệ thuật tạo hình bằng trái cây độc đáo, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Lễ hội Trái cây Nam Bộ 2013 không chỉ thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ trái cây, các đơn vị xuất nhập khẩu nông sản, các nhà vườn, nghệ nhân đến từ 21 tỉnh, thành thuộc khu vực Nam Bộ và lân cận mà còn có sự tham gia của một số nước trong khu vực châu Á như: Lào, Myanma, Thái Lan, Indonesia, Malaysia…
Điểm nhấn của lễ hội năm nay vẫn là “Chợ nổi trái cây Nam Bộ” diễn ra trong suốt 3 tháng hè tại hồ Lạc Cảnh – Suối Tiên với 55 gian hàng được bố trí trên những chiếc thuyền chở đầy trái cây. Hơn 180 loại trái cây của các thương hiệu trái cây đặc sản nổi tiếng sẽ tụ hội tại khu vực này như: Bưởi Năm Roi Hoàng Gia (Vĩnh Long), Thanh Long Hoàng Hậu (Long An), Vải Thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), Sầu Riêng Cái Mơn (Bến Tre), Dâu Xiêm (Bình Dương), Măng Cụt Lái Thiêu (Bình Dương), Vú Sữa Sa Đéc (Đồng Tháp), Xoài Cát Hoà Lộc (Đồng Tháp), Nhãn Xuồng (Tiền Giang), Ổi không hạt Vĩnh Kim (Tiền Giang), Đu Đủ (Bình Phước), Bưởi Tân Triều (Đồng Nai), Đào Sa Pa (Lào Cai), Mận (Lạng Sơn), Bơ (Đắk Lắk), Mít đỏ giống Vacdona Long Thành (Đồng Nai), Cam lai Vĩnh Cửu (Đồng Nai), Mãng cầu na – núi Bà Đen (Tây Ninh), Dưa Hoàng Kim (Hậu Giang)… Chợ nổi trái cây Nam Bộ đã bắt đầu mở cửa đón khách từ sáng 28/5/2013, dự kiến sẽ thu hút khoảng hơn 1 triệu lượt khách tham quan và tiêu thụ trên 1.000 tấn trái cây.
Cùng với Chợ nổi trái cây Nam Bộ, hoạt động trưng bày, triển lãm trái cây cũng là một trong những điểm độc đáo của lễ hội. Thông qua hoạt động này, du khách sẽ được giới thiệu bộ sưu tập hơn 300 loại trái cây đạt kỷ lục “Lễ hội có nhiều chủng loại trái cây nhất” (năm 2011); bộ sưu tập củ quả khổng lồ được sưu tầm từ nhiều vùng miền trong cả nước như: bí đao nặng từ 50 – 60kg, dừa 9kg, xoài 3kg, chanh Yên 6kg...; các loại sinh vật cảnh bonsai, phong lan, đá cảnh... Tại đây, du khách sẽ được thưởng thức nhiều loại trái cây lạ như: thằn lằn, osaca, kèn nghe, lục lạc, ngõa, lê mắt cọp, mắt mèo, ngà voi, mận thóc, óc chó, cóc kèn… Đặc biệt, trên trục đường lễ hội dài hơn 200m, du khách sẽ được chiêm ngưỡng các mô hình, tiểu cảnh được kết bằng trái cây.
Trong khuôn khổ lễ hội, nhiều hoạt động đặc sắc khác cũng sẽ được tổ chức như: hội thi “Trái Ngon – An Toàn” lần thứ 6; Lễ hội carnival trái cây với tên gọi “Tứ linh bách quả thần tiên hội”; hội thi nghệ thuật tạo hình trái cây; giới thiệu và bán các món ăn, thức uống chế biến từ trái cây (cocktail, chè, bánh, nước ép trái cây…); biểu diễn nghệ thuật; các trò chơi dân gian (thi đá cá, đá dế, thảy vòng kiếng, thả banh vào ô chữ, ném lon, kéo co…)
Qua nhiều lần tổ chức thành công với quy mô ngày càng được mở rộng, Lễ hội Trái cây Nam Bộ đã trở thành một sản phẩm văn hóa du lịch độc đáo góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh điểm đến của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và khu vực Nam Bộ nói chung với du khách trong nước và quốc tế; từ đó tiến tới xây dựng lễ hội trở thành hoạt động giao lưu văn hóa với các nước trong khu vực.
==========
Tổ chức các hoạt động Festival chu đáo, hiệu quả
|
Chiều 27/5, Ban Tổ chức Festival Di sản Quảng Nam báo cáo công tác chuẩn bị Festival lần thứ 5 - 2013 với Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VHTTDL cho biết, đến nay mọi công tác chuẩn bị cho festival diễn ra đúng tiến độ, sự kiện này nhận được sự quan tâm phối hợp hưởng ứng tích cực của các cấp, ban ngành, đơn vị và địa phương trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, công tác truyền thông quảng bá, giới thiệu các hoạt động của festival đã được thực hiện trên các kênh thông tin trung ương, địa phương. Hiện nay có 8 đoàn ASEAN gửi danh sách tham dự hoạt động “Không gian di sản văn hóa Việt Nam - ASEAN” với 73 đại biểu, nghệ nhân, diễn viên; trong nước có 23 tỉnh, thành đăng ký tham gia. Các hoạt động “Liên hoan nghệ thuật quần chúng các dân tộc Việt Nam” thu hút 16 tỉnh, thành đăng ký tham gia; Hội thi hợp xướng Quốc tế lần thứ 3 - Hội An năm 2013 có 16 đoàn từ 6 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng kí tham gia... Đặc biệt, Festival Di sản Quảng Nam còn có các hoạt động hội thảo về phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch; diễn đàn đầu tư tăng trưởng xanh cho Quảng Nam; Hội chợ công thương miền Trung-Tây Nguyên và các hoạt động quảng bá văn hóa, tham quan du lịch tại các địa phương Tam Kỳ, Điện Bàn, Duy Xuyên, Nam Giang…
Sau khi nghe góp ý của các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải yêu cầu các cấp ngành, đơn vị và các địa phương liên quan cần tích cực phối hợp đồng bộ để mọi công tác chuẩn bị cho hoạt động festival chu đáo, tiết kiệm, đúng nghĩa của một hoạt động văn hóa lớn của địa phương, gây được ấn tượng mạnh mẽ đối với du khách thập phương nhằm quảng bá tiềm năng du lịch, các đặc trưng văn hóa truyền thống và con người xứ Quảng. Trong đó, tập trung chuẩn bị tốt cho các hoạt động hội thảo, quảng bá văn hóa truyền thống và tham quan du lịch trên địa bàn, đảm bảo tốt vấn đề an ninh trật tự, an toàn giao thông cho du khách trong suốt thời gian diễn ra lễ hội...