Sự ảnh hưởng của xu thế văn hóa thế giới trong định hướng chính sách và quản lý văn hóa
(TITC) – Sáng ngày 28/5, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ VHTTDL) đã tổ chức hội thảo “Sự ảnh hưởng của xu thế văn hóa thế giới trong định hướng chính sách và quản lý văn hóa”.
Đến dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, đại điện các ban ngành, các nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà phê bình văn học, dịch giả cùng các phóng viên báo chí truyền hình…
Kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" đã cho thấy trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, nhân dân hết sức quan tâm tới vấn đề giữ gìn di sản văn hóa dân tộc, tạo điều kiện làm sống dậy mọi tiềm năng văn hóa như là một nguồn lực nội sinh mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội. Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích tiếp thu những ý kiến đóng góp trong việc xây dựng chiến lược, tìm kiếm giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, đưa văn hóa đặc sắc của Việt Nam tiến ra với thế giới. Hội thảo gồm 3 chuyên đề chính: Vấn đề hội nhập và tiếp thu văn hóa; Ảnh hưởng của xu thế văn hóa thế giới với Việt Nam hiện nay; Những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn, Phó trưởng ban chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết TW 5 khóa VIII của Bộ VHTTDL đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nền văn hóa Việt Nam nói chung và buổi hội thảo nói riêng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế, văn hóa Việt Nam có điều kiện phát triển, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Bên cạnh những mặt thuận lợi thì nhiều thách thức cũng đặt ra với nền văn hóa đất nước. Bước vào thời kì đổi mới, văn hóa quốc tế tác động trực tiếp đến văn hóa Việt Nam, ảnh hưởng đến xu hướng về thời trang, âm nhạc, thần tượng… Hòa nhập văn hóa chứ không hòa tan, chính là thách thức đặt ra cho đất nước.
Từng chuyên đề trong hội thảo đã được các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà phê bình lý luận trình bày một cách khoa học, súc tích. Những nội dung được các đại biểu tham dự quan tâm và đóng góp ý kiến đều mang tính thời sự, phù hợp với thực tiễn. Các đại biểu đều nhất trí với tham luận của PGS.TS Lê Quý Đức – Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, đó là nền văn hóa Việt Nam có nền tảng từ thời văn hóa Văn Lang – Âu Lạc, trải qua hai cuộc giao lưu tiếp biến văn hóa lớn (thời Bắc thuộc và Tây thuộc), văn hóa Việt Nam đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp vào sự nghiệp giành và giữ độc lập dân tộc, tạo ra bản sắc, bản lĩnh con người Việt Nam, tạo ra sức mạnh cho con người Việt Nam biết tiếp thu một cách có chọn lọc văn minh nhân loại.
Hiện nay, vấn đề ảnh hưởng của yếu tố văn hóa ngoại lai đến bộ phận giới trẻ cũng được các đại biểu hết sức quan tâm. Điều này ảnh hưởng ít nhiều đến nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc của đất nước. Vấn đề đặt ra là phải phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống hàng ngày để giới trẻ nhận thức rõ “hòa nhập chứ không hòa tan”.
Để giải quyết các mặt còn hạn chế, các đại biểu đưa ra giải pháp: Việt Nam cần xây dựng một nền văn hóa mang bản sắc riêng; có quy hoạch về cơ sở hạ tầng cho các hoạt động văn hóa phù hợp với văn hóa nước nhà; đào tạo đội ngũ quản lý, nguồn nhân lực về chuyên ngành văn hóa có chuyên môn tốt để xây dựng, quản lý và định hướng phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
=============
Đồng bằng sông Hồng thu hút 25 triệu khách trong nước và 5 triệu khách quốc tế vào năm 2020
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2020 tại Quyết định số 795/ QĐ- TTg ngày 23/5/2013.
Vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh, là cửa ngõ ở phía biển Đông với thế giới và là một trong những cầu nối trực tiếp giữa 2 khu vực phát triển kinh tế năng động là khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á.
Theo quyết định này, trong định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, du lịch được quan tâm phát triển để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng. Trong đó, sẽ đầu tư một số khu du lịch trọng điểm quốc gia có tầm vóc quốc tế. Phấn đấu đến năm 2015 thu hút 17- 18 triệu lượt khách trong nước và 3,2- 3,5 triệu lượt khách quốc tế; đến năm 2020 thu hút 24- 25 triệu lượt khách trong nước và 4,5 - 5 triệu lượt khách quốc tế.
Bộ VHTTDL được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp lập quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, thể thao vùng ĐBSH, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tạo cơ sở pháp lý phát triển du lịch; quản lý tốt hơn các kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch; xây dựng các khu, điểm du lịch quốc gia đến năm 2020 nhằm đảm bảo liên kết tour, tuyến trong vùng với các vùng khác.
=================
Gần 400 ngàn du khách đến Bến Tre
Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, từ đầu năm đến nay, khách du lịch đến Bến Tre ước đạt gần 400 ngàn lượt, đạt 52,1% so với kế hoạch năm và tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2012.
Trong đó, khách quốc tế ước khoảng 175 ngàn lượt, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu du lịch đạt trên 220 tỷ đồng, đạt 50,9% so với kế hoạch năm và giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2012.
|
Du khách tham quan cồn Quy
|
Để thu hút du khách, nhiều công ty du lịch trên địa bàn tỉnh đã đề ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn cùng với việc thiết kế tour phong phú về nội dung. Hiện nay, hầu hết các công ty du lịch đều tập trung khai thác loại hình du lịch sinh thái kết hợp với việc tham quan vườn trái cây bằng thuyền, tham quan các khu di tích lịch sử... Tuy nhiên, việc khai thác các sản phẩm dịch vụ du lịch, chưa thật sự hấp dẫn và kích thích việc chi tiêu của du khách, vì thế lượng khách có tăng nhưng doanh thu từ du lịch lại giảm so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2013, để đạt chỉ tiêu thu hút 765.000 lượt du khách, doanh thu từ 448 tỷ đồng trở lên, Bến Tre cố gắng tạo sức hấp dẫn và kích thích du khách chi tiêu trong nền kinh tế thị trường còn nhiều khó khăn.
============
Khu du lịch chùa Tiên (Hòa Bình) đón trên 30 vạn lượt khách
|
Khu du lịch danh thắng, văn hoá, lịch sử chùa Tiên (xã Phú Lão, huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hòa Bình) khai hội vào ngày mồng 4 âm lịch, kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch và du khách rải rác tham quan trong năm. Tính từ mùa lễ hội đến nay, điểm du lịch này đã thu hút trên 300.000 lượt khách đến tham quan, tổng doanh thu ước đạt gần 50 tỉ đồng.
Hai năm nay, huyện đã đổi mới công tác tổ chức, tiếp đón du khách. Theo đó, UBND huyện trực tiếp tổ chức quản lý các hoạt động thay cho UBND xã Phú Lão trước đây. Do đó, công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm có chuyển biến tốt hơn. Mùa lễ hội đã diễn ra an toàn, để lại ấn tượng tốt trong lòng du khách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Hiện nay, Công ty Hương Bình đang phối hợp với huyện triển khai dự án xây dựng tuyến cáp treo từ Chùa Tiên nối với khu du lịch Chùa Hương thuộc xã Hương Sơn, Mỹ Đức (Hà Nội). Tuyến cáp treo dài khoảng 3,5 km, tổng vốn dự kiến 300 tỉ đồng, được xây dựng đồng bộ, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo độ an toàn cao nhất.
===================
Hồ Chí Minh đón hơn 1,6 triệu lượt khách quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Hồ Chí Minh, tổng lượng khách quốc tế đến thành phố trong 5 tháng đầu năm 2013 ước đạt trên 1,6 triệu lượt, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2012.
Tổng doanh thu du lịch trong 5 tháng ước đạt trên 34.000 tỉ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2012 và đạt 42% so với kế hoạch năm 2013. Mặc dù tốc độ tăng trưởng khách quốc tế của thành phố trong 5 tháng qua giảm 2,8% so với tốc độ tăng cùng kỳ nhưng vẫn là tăng trưởng dương.
Nhằm đảm bảo an toàn cho du khách, tạo điểm đến hấp dẫn, thu hút ngày càng đông du khách đặc biệt là khách quốc tế đến thành phố, UBND thành phố vừa chỉ đạo các sở, ngành chức năng đảm bảo môi trường văn minh du lịch và an ninh trật tự tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố; tăng cường kiểm tra, xử lý triệt để những hành vi cướp giật tài sản, lừa đảo, gian lận, tăng giá, đeo bám du khách, taxi nhái nhãn hiệu…; thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, giải quyết và phản hồi thông tin kịp thời đến du khách; tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân, xây dựng phong cách ứng xử văn minh, lịch sự; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quy hoạch phát triển du lịch thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030…
UBND thành phố cũng yêu cầu các sở, ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn tại các khu, điểm du lịch; phấn đấu đến hết năm 2013, hoàn thành việc xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn.
Title : Sự ảnh hưởng của xu thế văn hóa thế giới trong định hướng chính sách và quản lý văn hóa..Đồng bằng sông Hồng thu hút 25 triệu khách trong nước và 5 triệu khách quốc tế vào năm 2020
Description : Sự ảnh hưởng của xu thế văn hóa thế giới trong định hướng chính sách và quản lý văn hóa (TITC) – Sáng ngày 28/5, tại Hà Nội, Bộ Văn h...